Xã hội hóa giáo dục: Không đơn thuần là đóng góp tài chính

Xã hội hóa giáo dục: Không đơn thuần là đóng góp tài chính

(GD&TĐ) - Ở Việt Nam, xã hội hóa giáo dục được hiểu như là một phương cách nhằm đạt được những mục tiêu thiết yếu của giáo dục và Nhà nước. Nhờ xã hội hóa giáo dục, nhu cầu học tập của người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác xã hội hóa giáo dục đến nay vẫn còn hạn chế, do nhận thức của nhiều người về vấn đề này chưa đúng, chưa đầy đủ; do một số chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thật phù hợp...

Tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục – đào tạo

Có một nguyên tắc bất di bất dịch là xã hội hóa giáo dục phải đặt trong sự quản lý của Nhà nước, không chuyển giao hoặc phó thác cho ai khác. Nhà nước quản lý các hoạt động giáo dục thông qua hệ thống pháp luật, thông qua các cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện để các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân có thể tham gia đóng góp vào phát triển giáo dục. Chính vì vậy, để có thể tạo động lực tốt nhất cho xã hội hóa giáo dục, vai trò quản lý của chính quyền địa phương và sự chủ động, tích cực của ngành giáo dục là vô cùng quan trọng.

Thực tế tại Hà Nội, ngành giáo dục đã tích cực tham mưu với các cấp tăng cường đầu tư cho ngành. Vì thế, trong những năm qua, nguồn thu giáo dục tăng mạnh. Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đảm bảo tỷ lệ ngân sách hàng năm cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo, tỷ trọng chi ngân sách giáo dục – đào tạo trong tổng chi ngân sách thành phố bình quân hàng năm đạt 20% (chưa kể đầu tư cho các dự án lớn). Những năm gần đây, chi thường xuyên của Hà Nội cho giáo dục bình quân sinh tăng ở tất cả các cấp học, trong đó đặc biệt chú trọng trường THPT chuyên, trường dân tộc nội trú, trường khuyết tật. Đáng chú ý, thành phố luôn đảm bảo cơ cấu chi cho con người và chi khác ở mức 75 – 25. Chủ trương này đã giúp cho hoạt động của các đơn vị trường học tốt hơn, đồng thời có thể tiết kiệm chi để trích lập quỹ, góp phần vào việc nâng cao đời sống cán bộ giáo viên.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục, giúp cho các trường công có bước đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động.

Mục tiêu cao nhất của xã hội hóa giáo dục là giúp cho người học ngày càng được thụ hưởng những điều kiện học tập tốt hơn, nhất là những nơi còn gặp nhiều khó khăn. Bám sát mục tiêu này, Hà Nội đã thực hiện miễn giảm học phí và cấp ngân sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú... Việc chi đầu tư xây dựng cơ bản của Hà Nội cũng chủ yếu để thực hiện xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp, chương trình chiếu sáng học đường, vệ sinh nước sạch, xây dựng trường chuẩn Quốc gia...

Nhờ xã hội hóa, học sinh ngày càng được tiếp cận với những phương tiện học tập hiện đại Ảnh: T. Thanh
Nhờ xã hội hóa, học sinh ngày càng được tiếp cận với những phương tiện học tập hiện đại                            Ảnh: T. Thanh

Không đơn thuần là đóng góp tài chính

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong hoạt động xã hội hóa giáo dục vẫn còn hạn chế so với tiềm năng mà hoạt động này có thể mang lại. Đó là do nhận thức và chính sách xã hội hóa chưa phù hợp. Đặc biệt, nhiều nơi, nhiều đơn vị cá nhân vẫn còn quan niệm xã hội hóa chỉ là thu tiền, hoặc cố tình lợi dụng chủ trương xã hội hóa để gây ra tình trạng lạm thu.

Mặt khác, cũng không nên hiểu xã hội hóa giáo dục nghĩa là cào bằng sự đóng góp, cào bằng điều kiện học tập của tất cả các đối tượng, bởi điều này có thể gây cản trở không nhỏ cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Vừa qua, Hà Nội đã ban hành quy định về thu chi học phí mới. Có một vấn đề đáng lưu ý là mức thu so với 10 năm trước đây không những không tăng mà còn giảm đi. Điều này giúp cho việc giải quyết an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhưng lại gây khó khăn cho việc huy động sự đóng góp từ những gia đình có thu nhập cao và mong muốn con em họ có điều kiện học tập tương xứng. Cũng vì địa phương chưa có những cơ sở đào tạo chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu học tập của đối tượng này nên hàng năm, chúng ta mất đi hàng tỷ đô la khi người dân gửi con em đi học ở nước ngoài. Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng và triển khai sớm mô hình trường chất lượng cao trên địa bàn các thành phố lớn nói chung và Hà Nội nói riêng là rất cần thiết.

Một vấn đề quan trọng trong giáo dục là nội dung giáo dục. Do vậy, xã hội hóa giáo dục không chỉ là đa dạng hóa đầu tư mà còn đa dạng hóa nội dung và phương thức giáo dục để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Chẳng hạn, với Hà Nội, việc biên soạn và giảng dạy bộ sách giáo dục học sinh thanh lịch văn minh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố là một việc làm thiết thực. Ngoài ra, việc tổ chức giáo dục kĩ năng sống, giáo dục an toàn giao thông, tổ chức nghiên cứu khoa học cho học sinh phổ thông... là những nội dung có thể thu hút các nguồn lực tham gia và đáp ứng yêu cầu thiết thực của xã hội.

Cần tạo điều kiện phát triển các trường ngoài công lập

Phát triển các trường ngoài công lập là một nội dung lớn cần thực hiện để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu phát triển nhiều các trường ngoài công lập sẽ dẫn đến thương mại hóa giáo dục, mất đi bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Thực tế cho thấy, nếu có sự quản lý chặt chẽ về chất lượng, sự ra đời của các trường ngoài công lập sẽ khiến người học có nhiều lựa chọn hơn. Và khi đó, họ sẽ lựa chọn cơ sở giáo dục nào đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế, mục tiêu học tập của họ. Như vậy, để thu hút người học, các cơ sở giáo dục sẽ phải cạnh tranh lẫn nhau, nâng cao chất lượng giáo dục, có mức học phí phù hợp...

Thêm vào đó, phát triển các trường ngoài công lập tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn thu ngoài ngân sách cho giáo dục. Theo thống kê, những năm gần đây, bình quân mỗi năm Hà Nội đã huy động nguồn lực ngoài ngân sách xây dựng trường học ngoài công lập khoảng 300 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều trường ngoài công lập được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao của người dân, như Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất); Trường tư thục Lương Thế Vinh; THPT Trí Đức (50 tỷ đồng); THCS và THPT Đoàn Thị Điểm (70 tỷ đồng); Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy; Nguyễn Siêu; Lý Thái Tổ; Phương Nam; Trần Quốc Tuấn; Việt – Úc; Bình Minh (Hoài Đức); Võ thuật Bảo Long; Tiểu học Lê Quý Đôn; TCCN Quang Trung...

Đáng chú ý, các trường ngoài công lập không chỉ phát triển về số lượng mà còn ngày càng nâng cao chất lượng của mình. Nhiều trường đã khẳng định được “thương hiệu” và chiếm được uy tín của cha mẹ học sinh như: THPT Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiểu học Đoàn Thị Điểm...

Tuy nhiên, hiện nay ngân sách Nhà nước chỉ cấp định mức trên đầu học sinh học trường công, còn các trường ngoài công lập cha mẹ học sinh phải lo toàn bộ. Do vậy, học phí của các trường công thấp hơn rất nhiều so với học phí trường ngoài công lập. Không những thế, cơ sở vật chất của các trường công hầu hết được Nhà nước đầu tư tốt. Đó là những lý do dẫn đến tình trạng các trường công gặp phải nhu cầu quá tải. Điều này có thể thấy rất rõ ở các trường công thuộc những quận nội thành cũ của Hà Nội.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, cần chi ngân sách định mức trên đầu học sinh cho cả các trường ngoài công lập nếu đủ điều kiện và ở cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, bởi các cấp học này với Hà Nội là phổ cập và có nhu cầu cao gần như bắt buộc. Theo tính toán, số kinh phí này không lớn so với tổng chung của thành phố cho giáo dục - đào tạo, nhưng sẽ giải quyết được công bằng cho giáo dục, giảm tải các trường công ở khu vực nội thành, trợ giúp khó khăn cho khu vực vùng sâu, vùng xa.

Một biện pháp quan trọng khác là giao quỹ đất sạch cho các trường ngoài công lập để xây trường. Riêng tại Hà Nội, mặc dù chính sách này đã có nhưng chưa được thực hiện, do các thủ tục và yêu cầu chưa được đáp ứng.n

Theo Nghị quyết 05 của Chính phủ ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, có 4 nội dung lớn cần thực hiện đối với giáo dục và đào tạo. Đó là: Nhà nước tiếp tục tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Huy động các nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục – đào tạo; Đổi mới hoạt động của các trường công, tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị, đổi mới cơ chế học phí, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; Phát triển các trường ngoài công lập, hệ thống giáo dục phi chính quy.

Nguyễn Hồng Lê  (Khoa Việt Nam học - ĐH Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.