Việt Nam vẫn là điểm nóng về suy dinh dưỡng

Việt Nam vẫn là điểm nóng về suy dinh dưỡng

LTS: Theo công bố mới đây, sau 10 năm, người Việt Nam chỉ cao thêm được 1cm, trong khi các nước láng giềng Thái Lan, Trung Quốc tăng hơn 2cm. Chiều cao trung bình của nam, nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Để nâng cao tầm vóc Việt, cần bắt đầu từ mỗi gia đình, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là câu chuyện dài và đụng đâu cũng thấy khó.

->> Đau đáu nhân lực dinh dưỡng

1/3 trẻ thấp còi

Học sinh Trường Mầm non Lý Thái Tổ (Hà Nội) Ảnh: Bích Ngọc
Học sinh Trường Mầm non Lý Thái Tổ (Hà Nội)  Ảnh: Bích Ngọc

Một cảnh báo từ các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu quốc tế và Việt Nam đã khiến nhiều người giật mình: 90% trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi trên thế giới tập trung ở 36 nước nghèo, trong đó có Việt Nam. Và, Việt Nam là một trong 20 quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, với tỷ lệ thấp còi chiếm tới 1/3.

TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh cho biết, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam xuất hiện sớm. Thường trẻ đạt chuẩn giai đoạn từ 4 - 6 tháng tuổi, nhưng sau đó tốc độ tăng chậm lại. Cho đến thời điểm 1 năm tuổi, chỉ có 80% đạt chuẩn. Ở thời điểm này, suy dinh dưỡng chủ yếu liên quan đến vấn đề ăn bổ sung. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất ở nhóm từ 12 đến 24 tháng, chủ yếu liên quan đến việc ăn bổ sung và bệnh tật.

Một trong những vấn đề thường gặp đối với trẻ em Việt Nam là thiếu vi chất dinh dưỡng. Ví dụ như bệnh khô mắt do thiếu vitamin A không còn là vấn đề mang ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, nhưng tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn cao (trên 12%) và rất khác nhau giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, thiếu máu dinh dưỡng trên trẻ mầm non và mẫu giáo vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở mức vừa và nặng, xu hướng giảm chậm và dao động nhiều theo vùng điều tra. Ngoài ra, trẻ còn thiếu nhiều vi chất khác như kẽm, canxi, vita min D...

Tình trạng thừa cân béo phì cũng đáng báo động. Nếu trước năm 1995, tình trạng này ở học sinh không đáng kể, thì năm 2011, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng đã có 8 – 10% học sinh ở các trường nội thành Hà Nội và Hải Phòng mắc béo phì… 

Hổng “an ninh” dinh dưỡng và VSATTP

TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh
TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh

Do vậy, việc lên thực đơn bữa ăn hàng ngày cho học sinh tại trường được làm theo kinh nghiệm nấu nướng của cấp dưỡng và phụ thuộc chủ yếu vào số tiền đóng góp từ phụ huynh. Số tiền này cũng không thống nhất trong tất cả các trường. 

Mặc dù các trường bán trú đã rất cố gắng vượt qua những khó khăn thực tế như: hạn chế về mặt bằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, để từng bước cải thiện chất lượng bữa ăn học đường, nhưng theo TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh, hầu hết người phụ trách chế độ ăn uống dinh dưỡng của học sinh trong trường tiểu học và một số trường mầm non tư thục (như quản lý, cấp dưỡng…) chưa qua trường lớp đào tạo về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). 

Một số trường thuộc địa bàn dân cư khó khăn hơn về điều kiện kinh tế - xã hội, khoản tiền ăn đóng góp cho các cháu từ các gia đình rất thấp. Vì vậy, trường khó có thể lên các thực đơn đa dạng, phong phú, ngon miệng. Người quản lý ăn uống và cấp dưỡng lại chưa qua trường lớp đào tạo về dinh dưỡng và VSATTP nên khó có thể xây dựng được thực đơn đảm bảo cân bằng tỉ lệ các chất dinh dưỡng. 

TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng dinh dưỡng và VSATTP các bữa ăn học đường chưa hợp lý trong nhiều năm qua là do cho đến nay chưa có một cơ quan ban ngành chuyên môn nào của Chính phủ chịu trách nhiệm về “an ninh dinh dưỡng và VSATTP” cho các bữa ăn học đường. 

“Chất lượng bữa ăn học đường tại các trường bán trú hiện nay chủ yếu do Sở GD&ĐT quản lý mà không phải do các cơ quan chuyên môn. Một số nơi, Sở GD&ĐT đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng tỉnh kiểm tra, giám sát VSATTP của bếp ăn học đường, nhưng chất lượng dinh dưỡng của các bữa ăn vẫn bị bỏ ngỏ. Thêm vào đó, cũng chưa có các luật, văn bản quy định, hướng dẫn triển khai bữa ăn học đường tại các trường để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và VSATTP cũng như các chế tài xử phạt khi có hành vi vi phạm các quy định” -  TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh băn khoăn.

HS cũng cần được học về dinh dưỡng

Cần nâng cao kiến thức, thực hành đảm bảo dinh dưỡng và VSATTP các bữa ăn học đường cho học sinh bằng cách giảng dạy cho các em trong chương trình chính khóa ở các cấp học – Đó là khuyến nghị của TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh nhằm khắc phục hạn chế trong vấn đề dinh dưỡng học đường hiện nay.

Theo TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh, hầu hết người phụ trách chế độ ăn uống dinh dưỡng của học sinh trong trường tiểu học và một số trường mầm non tư thục (như quản lý, cấp dưỡng...) chưa qua trường lớp đào tạo về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Bên cạnh đó, nhà trường cần chủ động tổ chức, phối hợp với các ban ngành chuyên môn, như các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế dự phòng địa phương để tuyên truyền giáo dục, tập huấn cho người cung cấp thực phẩm, quản lý bếp ăn/căng tin, cấp dưỡng, giáo viên trường học và cả cho phụ huynh học sinh.

Điều không kém phần quan trọng nữa là đầu tư trang thiết bị nhằm xây dựng các bếp ăn/căng tin theo tiêu chuẩn; Đồng thời, áp dụng các bộ thực đơn chuẩn cho các cấp học, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng các bữa ăn học đường, dựa vào nguồn thực phẩm sẵn có địa phương. 

Ở cấp độ cao hơn, TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh cho rằng, cần có cơ quan quản lý nhà nước để điều hành, chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và VSATTP tại các bếp ăn/ căng tin trường học; Chủ trì tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện lên Chính phủ.

Mặt khác, cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng dinh dưỡng và VSATTP; Giám sát, thanh kiểm tra chất lượng dinh dưỡng bữa ăn học đường và VSATTP từ trung ương tới các trường học với quy định chức năng nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành cụ thể.

Cùng với đó, xây dựng hành lang pháp lý như ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định và tiêu chuẩn về chất lượng dinh dưỡng và  VSATTP trong các bếp ăn/căng tin trường học. 

“Tổ chức NCKH trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và VSATTP nhằm xây dựng bộ dữ liệu về thực trạng vấn đề. Trên cơ sở đó, nghiên cứu giải pháp tối ưu, phù hợp điều kiện hoàn cảnh từng trường. Nghiên cứu, xây dựng bộ thực đơn chuẩn cho các cấp học, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn học đường, dựa vào nguồn thực phẩm sẵn có của từng địa phương cũng là việc làm vô cùng cần thiết.” - TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh nhấn mạnh.

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ