Học Thiền trên núi Nham Biền

Học Thiền trên núi Nham Biền

(GD&TĐ) - Từ sau lễ đặt đá, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vẫn đều đặn sáng mõ, chiều chuông. Dù công trình chưa hoàn thành nhưng mỗi ngày có hàng trăm phật tử xa gần đến đây tu thiền, học đạo, tạo nên một nét văn hóa tâm linh mới ở vùng đất huyền thoại.

Trút bỏ ưu phiền

Nắng hanh hao trên dải núi Nham Biền, bốn bề mênh mang lúa vàng rực rỡ, hàng thông dẫn lên chốn Thiền ngày nào còn chưa kịp bén rễ nay đã vươn mình điểm những chồi xanh. Phía lưng chừng núi, đại công trường đang ngổn ngang những cột gỗ, đường vân thớ đá làm nên dáng vóc của một Phật đường khá quy mô.

Thiền đường được dựng tạm bằng tôn rộng hơn 200m2 là nơi để các phật tử “nung kinh, nấu kệ”. Đại đức Thích Giác Định, Phó Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng cho biết: “Dù xây dựng chưa xong nhưng cửa Thiền luôn rộng mở đón phật tử thập phương có tâm dưỡng đạo.

Gần 2 năm nay, khi mặt trời khuất núi, chuông chùa đổ một hồi dài ngân theo gió, cũng là lúc có gần 200 người dân quanh vùng gồm cả nam, nữ, lão, ấu ngồi khoanh chân ngay ngắn tham thiền học đạo. Đặc biệt, vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng, Thiền viện tiếp đón từ 400 - 500 phật tử ở nhiều tỉnh, thành đến tập làm cư sĩ và học thiền”. 

Tập thiền được hơn một năm nay, cư sĩ Nguyễn Thị Ngát, hiệu là Diệu Hương (28 tuổi) ở Hà Nội hiện đang làm tập sự xuất gia tại Thiền viện cho biết: “Do chuyện gia đình gặp nhiều phiền muộn khiến tôi suy nghĩ nhiều nên bị đau đầu, mất ngủ triền miên, cảm giác lúc nào cũng mệt mỏi, sầu não, bất an và hay cáu giận, thậm chí có khi thấy bế tắc muốn quyên sinh.

Được người thân giới thiệu, tôi đã tìm đến đây xin thầy truyền dạy phương pháp Thiền, sau 2 tháng bệnh tình chuyển biến tích cực và nay đã hết đau đầu, mất ngủ, tinh thần luôn lạc quan và có thêm nhiều nghị lực sống”. Cũng theo học thiền được hơn một năm, cô Nguyễn Thị Ngân (53 tuổi) giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 1 không chỉ tạo cho mình thói quen học thiền mà còn giáo hóa được nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia như con, cháu, em dâu…

Đặc biệt, trong mỗi bài giảng trên lớp, cô giáo Ngân thường hướng cho học sinh theo những tư tưởng nhân văn, cao đẹp của đạo Phật. Thấy các em yêu thích nên cô đã tổ chức cho nhiều lớp cùng tham gia học thiền tại Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Cô Quyên cho hay: “Thiền đã cho tôi cuộc sống thứ hai, nhiều lúc gặp khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng nhờ có thiền mà tinh thần tôi lấy lại được sự thăng bằng”.

Ngoài học Thiền, phật tử đến Thiền viện có thể lao động công quả như trồng rau, tưới cây, dọn dẹp công trường… Đó cũng là một cách để rèn luyện sức khỏe và quên mọi sầu lo. Hơn nữa, ở đây khí hậu trong lành, cảnh vật thanh tịnh làm cho con người càng thấy thoải mái và tĩnh tâm.

c
Cư sĩ ngồi thiền trên núi Nham Biền 

“Thiền như khơi trong dòng nước”

Đó là cách ví von mà thầy Thích Giác Định chia sẻ với tôi về ý nghĩa của học Thiền. Thầy bảo: “Cảnh duyên bên ngoài vốn rất ồn ào, nó cũng giống như một thác nước đang chảy siết, khó tránh khỏi những vẩn đục. Cuộc sống của mỗi người là một guồng xoáy với bộn bề lo toan, tính toán, thậm chí lẫn cả sự bon chen, đố kị khiến chúng ta bị căng thẳng, bất an. Đó có thể là những ham muốn vô thường mà con người cứ mãi tìm cách đuổi bắt, nếu không được sẽ sinh đau khổ.

Để cho tâm mình được tĩnh tại, gạt bỏ những ưu phiền và điều hòa cảm xúc, nhà Phật có phương pháp thiền định và được xem như là cách để khơi trong “dòng nước” trong tâm hồn mỗi người. Nó giúp cho ta lấy lại trạng thái cân bằng, tiếp thêm năng lượng và nghị lực sống”.

Đại đức cho biết thêm, trên thế giới và ở Việt Nam hiện tồn tại nhiều trường phái thiền khác nhau với những phương pháp riêng nhưng tựu trung lại đều hướng đến mục đích làm cho tâm mình tĩnh tại, lòng dạ ngay thẳng, tự tại an nhiên và dịu bớt căng thẳng dưới mọi hoàn cảnh… 

Ở Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, các bài thiền được truyền dạy theo lối của Trúc lâm chính pháp do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng tạo. Theo đó, phải trải qua 3 bước để đạt như ý muốn, gồm: “Trụ” (tư thế ngồi); “Nhập” (ứng dụng phương pháp tu) và “Xuất” (xả phương pháp tu). Tuy nhiên để hiểu cặn kẽ từng bài tập, phật tử cần được hướng dẫn tỉ mỉ.

Trong đó, điều quan trọng nhất của tọa thiền là “Nhập” tức là định được tâm, tự mình phải gạt bỏ mọi ý niệm thực tại để tạm thoát ra khỏi những vướng bận trần tục. Người nào có duyên và cố gắng sẽ nhanh đạt hiệu quả.

Hơn nữa, học thiền không phải là chuyện một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn. Người mới ngồi thiền sẽ gặp những khó khăn nhất định như đau chân, đau lưng và đặc biệt rất khó định tâm vì bị ngoại cảnh chi phối, cảm giác này sẽ mất dần nếu được tập thường xuyên. Khi đã biết phương pháp, mỗi người có thể thiền tại gia hay bất cứ thời gian, địa điểm nào phù hợp, nhưng thông thường nhiều người hay chọn thiền vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối tại những nơi yên tĩnh…

Với người dân các xã xung quanh Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, tiếng chuông chùa đã trở thành quen thuộc mỗi sớm hôm, nó nhắc mọi người sắp xếp công việc đến Thiền đường nghe các thầy giảng đạo. Thầy Thích Giác Định cho biết: “Hiện nay Thiền viện đã hoàn thiện cổng tam quan, nhà chuông, lầu trống. Ngôi chính điện sẽ được xây dựng trong nay mai, khi đó sẽ đáp ứng những nhu cầu tốt hơn cho phật tử các nơi đến tu tâm, dưỡng đạo”.

Nguyễn Hưởng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ