Ánh sáng tri thức cho vùng cao

Ánh sáng tri thức cho vùng cao
 
v
Lớp học của thầy giáo Đinh Hồng Lai

(GD&TĐ) - Để mang cái chữ đến với đồng bào dân tộc, nhiều thầy cô đã tận tụy cống hiến, thầm lặng hi sinh. Tình yêu nghề sâu sắc, tình thương học trò của các thầy cô khiến nhiều người phải cảm động. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc đã đổi thay rất nhiều.

Giáo viên cắm bản cũng học bổ túc!

Thầy Lê Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường PTCS Nậm Khao (Mường Tè, Lai Châu) cho biết, năm học 2013 - 2014, Trường PTCS Nậm Khao có 126 học sinh cấp 1 và 82 học sinh cấp 2, trong đó có 80 em người dân tộc. Tất cả các em đều đi học rất chuyên cần. Nhưng để các em dân tộc được đến trường, các thầy cô đã bỏ ra không ít thời gian và công sức.

Khi các em đến tuổi đi học, các thầy cô phải tới tận nhà vận động để các em được tới trường. Ở mỗi bản đều phải mở lớp để tất cả các học sinh đều được đi học nên ở đây có tình trạng nhiều lớp học có số học sinh rất ít. Như lớp ghép 3 - 4 của thầy Lý Văn Thời tại bản Nậm Khao cũng chỉ có 9 em, nhiều bản ở xa như Nậm Phìn, có những điểm trường chỉ có từ 1 - 2 em là chuyện bình thường. 

Theo thầy Đinh Hồng Lai, một giáo viên thâm niên tại Mường Tè, vất vả nhất là dạy lớp 1 và lớp ghép. Dạy lớp 1 thì sáng sớm thầy cô phải đến từng nhà gọi các em đi học. Có những em trốn trong nhà, thầy cô phải vào tận nơi, mang kẹo ra cho ăn, dỗ dành đến lớp. 

Giáo viên lớp ghép phải soạn đồng thời hai giáo án, dạy hai trình độ trong cùng một buổi. Vừa dạy xong nhóm học sinh này lại phải quay lại dạy cho nhóm học sinh kia. Lớp quá ít học sinh nên các em ngồi học cũng buồn, không nhiều hứng thú. Thầy cô muốn cho chơi trò chơi cũng khó. 

Học sinh vùng sâu, vùng xa có kiến thức xã hội rất hạn chế. Nhiều thứ như hoa quả, cây cối, con vật, đồ gia dụng... còn chưa được nhìn thấy bao giờ nên các em chẳng biết tên gọi, nghe tên gọi cũng không biết hình dung. Do đó, các thầy cô đã phải sưu tầm tranh ảnh cho các em thấy, miêu tả cho các em hình dung cụ thể. Với những thứ các em đã biết, thầy lại phải tìm hiểu xem trong tiếng Cống thì từ này là từ gì, để dạy các em cho dễ. 

Bắt đầu vào năm học, các em cứ nhìn thầy giáo với vẻ mặt ngơ ngác. Thầy giáo hỏi các em bằng tiếng phổ thông các em đều không biết. Thế là bài học đầu tiên của thầy giáo không phải là bài học trong sách giáo khoa mà là những cử chỉ làm quen, học trò và thầy giáo cùng học tiếng của nhau.

Thầy Lý Văn Thời - thầy giáo người dân tộc Cống đã gắn bó với Nậm Khao gần 30 năm nay - cho biết: Huy động học sinh ra lớp sau những dịp nghỉ dài như Tết, ngày lễ, sau nghỉ hè không phải là việc đơn giản. Việc huy động học sinh đến lớp tại điểm trường vào thời điểm đầu năm học rất nhiều cực nhọc. Vào thời điểm này, học sinh thường theo cha mẹ lên rừng tìm măng, có khi đến cả tuần mới về bản. Với những em nhỏ bố mẹ thường đi làm nương lâu ngày nên nhiều khi các em phải đi theo bố mẹ do ở nhà không có ai trông coi. Tại các bản xa trung tâm, các em ở xa điểm trường gần chục cây số, gia đình phải dựng chòi ở tạm gần trường cho các em đi học. 

Vào dịp đầu năm học, gia đình chưa kịp dựng chòi ở tạm nên các em cũng thường xuyên nghỉ học. Vận động học trò đến lớp cũng phải mất một khoảng thời gian dài, có khi hàng tháng trời. Danh sách lớp đã có sẵn, giáo viên chia nhau đến từng bản, không đến được các nhà thì thông qua nhà trưởng bản để nhờ giúp đỡ, khó khăn cũng bớt phần nào.

v
Nụ cười học trò vùng cao

Học một con chữ, biết nhiều điều hay

Ông Lò Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khao - kể rằng, hồi ông mới đi dạy ở Nậm Khao, tất cả đường từ thị trấn vào lẫn đường tới các bản đều chỉ có thể đi bộ. Từ bản Nậm Khao đi 3 bản còn lại là Nậm Phìn, Huổi Tát, Nậm Pục đều là đường mòn, đoạn đi được xe máy, đoạn chỉ đi bộ. Xa nhất là bản Nậm Phìn, cách trung tâm xã 21 km. 

Đường đến với Nậm Khao quá xa xôi mà không phải ai cũng dũng cảm đến với vùng đất này. Các thầy cô giáo cắm bản thường là người miền xuôi đầu tiên đặt chân đến các thôn bản không đường, không điện và thiếu nước. Nhờ các thầy cô dạy cho con chữ, cuộc sống của đồng bào trong những năm qua đã đổi thay rõ rệt.

Ông Hùng chia sẻ: Hiện nay, bà con đã đủ ăn, đủ mặc, nhà cửa đã kiên cố rồi, đời sống dần dần cũng khá lên. Các cháu đến tuổi đi học đều được cha mẹ mua sắm sách vở, quần áo cho đến lớp... 

Nhiều học sinh dân tộc đã vượt khó vươn lên học tập. Lý Thị Huế, học sinh lớp 6 Trường PTCS Nậm Khao chia sẻ: “Muốn thoát nghèo thì phải nỗ lực học tập. Học tốt thì mới làm giàu cho quê hương được. Mơ ước của em và nhiều bạn học sinh dân tộc thiểu số khác là có điều kiện học tập tốt, đủ gạo ăn và không phải đi học xa”. Huế cũng là gương học sinh dân tộc Cống vượt khó vươn lên học giỏi với thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp huyện.

So với trước, Nậm Khao giờ đã thay đổi nhiều. Đồng bào dân tộc Cống giờ đã biết xuống núi khai hoang, gieo trồng lúa ruộng, dần từ bỏ lối canh tác tra hạt, “gieo bay” trên núi cao như trước kia. Đồng bào dân tộc Cống đã định cư, ổn định canh tác. Các bản đã có trường học, xã đã có bệnh xá. 

Sau nhiều năm vất vả, bỏ công sức khai hoang, Nậm Khao đã có nhiều nương rẫy mới, đưa sản lượng lương thực lên cao. Người Cống bây giờ không còn tình trạng đói giáp hạt nữa. Nắm bắt được những kiến thức, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, người Cống ở Nậm Khao đã biết trồng cây ăn quả trong vườn, chăn nuôi gia súc để tăng thêm thu nhập, lấy sức kéo.

Điện lưới quốc gia được đưa về Nậm Khao. Có điện, dân bản cũng nắm bắt các thông tin dễ hơn. Trẻ em có ánh sáng để học tập. Nhờ có ti vi, nhiều người học được cách làm kinh tế thoát nghèo. Nhờ thoát nghèo, người dân đã dần mua sắm những vật dụng có giá trị mà trước đây có trong mơ họ cũng chưa từng nghĩ tới.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ