Ông Hoàng Xuân Quế không chỉ "đạo văn" một người

Ông Hoàng Xuân Quế không chỉ "đạo văn" một người
Bìa cuốn sách chuyên khảo của PGS.TS Hoàng Xuân Quế có nhiều nội dung “đạo” của người khác
Bìa cuốn sách chuyên khảo của ông Hoàng Xuân Quế có nhiều nội dung “đạo” của người khác
Với lý do “nộp nhầm bản nháp”, ông Hoàng Xuân Quế được nộp lại Luận án Tiến sĩ sau 10 năm, tuy nhiên nhiều nội dung luận án này vẫn “đạo” của người khác.
PGS.TS Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) trong Luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 đã sao chép y nguyên khoảng 33% (50 trang) từ Luận án của TS. Mai Thanh Quế bảo vệ trước đó 1 năm. Với lý do “nộp nhầm bản nháp”, ông Hoàng Xuân Quế được nộp lại Luận án tiến sĩ sau 10 năm, tuy nhiên nhiều nội dung luận án này vẫn “đạo” của người khác.
“Đạo” về nội dung
Mặc dù được nộp lại luận án “chính thức” sau 10 năm, Luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế dễ dàng nhận thấy một số phần “gia cố”, những dấu vết thay ghép nhiều trang và đặc biệt là các hình vẽ, công thức trình bày trong các trang từ 17 đến 21, chỉ có phần mềm Microsoft Word phiên bản năm 2007 mới hỗ trợ được, trong khi ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ luận án này năm 2003? 
Tiếp tục xác minh nội dung bản Luận án mà ông Hoàng Xuân Quế khẳng định là bản “chính thức” và nộp cho Bộ GD&ĐT ngày 10/7, chúng tôi phát hiện nhiều nội dung vẫn còn “đạo” đến 45 trang.
Cụ thể, nội dung mục 2.2.4 trong luận án này, ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép 10 trang không ghi trích dẫn nội dung mục 2.2 từ Luận văn Thạc sĩ “Giải pháp đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Khách, Mã số LV60/03, bảo vệ năm 2002 (trước 1 năm so với thời điểm ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ Luận án Tiến sỹ) tại Thư viện Học viện Ngân hàng.
Cũng trong trong bản Luận án “chính thức” nộp 10/7, tại mục 2.2.3, PGS.TS Hoàng Xuân Quế đã “đạo” hoàn toàn khoảng 11 trang từ mục 2.2.1.1 của Luận văn Thạc sĩ, mã số 48/03, bảo vệ năm 2002 tại Thư viện Học viện Ngân hàng với đề tài “Giải pháp hoàn hiện sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” của Thạc sĩ Hoàng Thị Kim Thanh.
Như vậy, cộng thêm với khoảng 24 trang trong chương 3 đã “đạo” y nguyên nhưng chưa kịp sửa chữa hết những phần sao chép (mới dừng ở việc thêm bớt vài từ còn ý nghĩa, nội dung từng đoạn không thay đổi) từ luận án của TS. Mai Thanh Quế, bản “Luận án chính thức” nộp lên Bộ GD&ĐT của ông Hoàng Xuân Quế vẫn còn “đạo” đến 45 trang từ những công trình của người khác.
Hình thức trái với quy định
Ngày 10/7/2013, ông Quế nộp cho Bộ GD&ĐT hai cuốn luận án, một cuốn bìa mềm và một cuốn bìa cứng có xác nhận của hai thành viên Hội đồng bảo vệ, khẳng định rằng “đây mới là bản chính thức”.
Ngoài ra, ông Quế còn nộp thêm hai cuốn bản sao luận án bìa mềm không có chữ ký xác nhận của thành viên hội đồng. Trong đó, một cuốn ông Hoàng Xuân Quế ghi cuốn luận án này lấy từ nhà Giáo sư C.C.B là phản biện, một cuốn bản thảo bìa mềm có chữ ký xác nhận của giáo viên hướng dẫn và giấy xác nhận của cửa hàng photocopy, xác nhận in và đóng nhầm 15 bản luận án cho ông Hoàng Xuân Quế cách đây 10 năm?
Về hình thức, điều vô lý nữa là có đến 4 cuốn bìa mềm, một cuốn có chữ ký xác nhận của thành viên Hội đồng và 3 cuốn không có chữ ký. Theo quy định tại khoản 4 Điều 20, Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định: Luận án nộp cho Hội đồng bảo vệ chính thức phải được đóng bìa cứng. Như vậy, chưa cần giám định tuổi mực, tuổi giấy và chữ viết trên những bản luận án mới nộp cũng có thể khẳng định việc nộp các bản luận án với bìa mềm cho Bộ GD&ĐT là sự biện minh không hợp lý.
Tiếp tục xác minh, phóng viên nhận thấy cuốn sách “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” của ông Hoàng Xuân Quế, Nhà xuất bản Thống kê năm 2004 (Số giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB, Cục Xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004 với số lượng 1.000 cuốn để nộp xét phong học hàm Phó Giáo sư có đến 98% từ nội dung Luận án Tiến sĩ “đạo văn” từ công trình của 3 nhà khoa học khác (TS. Mai Thanh Quế, ThS. Nguyễn Văn Khách và ThS. Hoàng Thị Kim Thanh).
Sau một thời gian thẩm định nghiêm túc và khách quan, ngày 16/7/2013, Hội Đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập thông qua Quyết nghị, theo đó đã đề nghị Bộ trưởng thu hồi văn bằng tiến sỹ đã cấp cho ông Hoàng Xuân Quế.
Theo báo Công lý
TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ