Cải cách hành chính: Bắt bệnh phải xử nơi tắc mạch

Cải cách hành chính: Bắt bệnh phải xử nơi tắc mạch

(GD&TĐ) - Cải cách thủ tục hành chính là một khâu quan trọng để nâng cao chất lượng dân sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thời gian qua, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nhất là trong việc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà trong giải quyết các thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. 

Trong Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIII,  một giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ công chức được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu ra đã được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội đó là “Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị về các quy định, tình hình và kết quả giải quyết thủ tục hành chính các cấp. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ”. 

Phần đông các ý kiến cho rằng, điểm tắc nghẽn của thủ tục hành chính vẫn là sự chậm chuyển biến trong hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công.

Những năm qua, công cuộc CCHC đã triển khai theo những mô hình nhiều ưu thế, mang tính đột phá như Một cửa, Một cửa điện tử liên thông, Một cửa hiện đại, Đánh giá công chức, Thi tuyển chức danh lãnh đạo, Ứng dụng CNTT, Đánh giá mức độ hài lòng của công dân đối với dịch vụ công.

Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nơi, khi triển khai vẫn còn lúng túng, nặng tính hình thức, thời gian giải quyết còn kéo dài ở một số thủ tục, thước đo về sự hài lòng của người dân chưa được coi trọng. 

Có nhiều loại hồ sơ hành chính phải qua nhiều “một cửa” tức là liên quan tới thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều cơ quan.

Tất cả những hạn chế trên đây đều bắt nguồn từ nguyên do cán bộ hành chính còn non yếu về năng lực, thiếu tinh thần vì phục vụ nhân dân. Không ít cán bộ còn có thái độ vô cảm trong quá trình tiếp dân nên để xảy ra khá nhiều phiền hà, thiệt thòi cho dân. 

Mới đây, một người dân ở Thăng Bình, Quảng Nam có việc liên quan tới thủ tục giấy tờ san nhượng đất đai tại Thừa Thiên - Huế phản ánh: “Tôi rất lấy làm ngạc nhiên về đội ngũ cán bộ ở Văn phòng Công chứng số I của TP Huế. Họ giải quyết công việc rất thủ công.

Giấy chứng nhận ủy quyền lô đất thuộc sở hữu vợ tôi đứng tên trước đây tôi đã từng làm ở Đà Nẵng rất đơn giản là có mẫu sẵn chỉ cần in ra là có ngay thì các cán bộ ở đây bảo phải viết tay; trong phòng công chứng lúc ấy chỉ có một vài người tới liên hệ công việc nhưng tôi vẫn phải chờ tới cả nửa tiếng đồng hồ chỉ vì cán bộ phòng công chứng vừa làm vừa nói chuyện riêng bằng điện thoại.

Chỉ cách có một con đèo mà tôi thấy lề lối tiếp dân, phong cách làm việc của cán bộ công chức ở Đà Nẵng khác hẳn ở Huế”… 

Nêu lên kinh nghiệm về nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức hành chính, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết: Thành phố đã triển khai trên phạm vi rộng mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức hành chính đến tất cả các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện trên địa bàn.

Thông qua các đường dây nóng của HĐND, UBND, khi có phản ánh của người dân về nhũng nhiễu, tiêu cực, có địa chỉ cụ thể thì báo cho lãnh đạo, lãnh đạo cử cơ quan chức năng đến ngay để xử lý kịp thời; nếu tổ chức, cá nhân nào sai phạm thì sẽ bị đình chỉ ngay. Cách làm này của Đà Nẵng thật đáng được nhân rộng. 

Thiết nghĩ, việc giải quyết triệt để tắc nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính vẫn phải bắt đầu từ sự lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực tâm, thực tài; tiếp đó là duy trì và thường xuyên nâng cao nhận thức vì nhân dân phục vụ của họ. 

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ