“Sạn” sách tham khảo Người chịu trách nhiệm đầu tiên: Lãnh đạo nhà xuất bản!

“Sạn” sách tham khảo Người chịu trách nhiệm đầu tiên: Lãnh đạo nhà xuất bản!
Nhiều nhà xuất bản ngoài ngành Giáo dục chạy theo lợi nhuận xuất bản cả sách tham khảo cho bậc học mầm non
Nhiều nhà xuất bản ngoài ngành Giáo dục chạy theo lợi nhuận xuất bản cả sách tham khảo cho bậc học mầm non

(GD&TĐ) - Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động xuất bản (bao gồm các lĩnh vực: xuất bản; in; phát hành xuất bản phẩm) là chức năng của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin – Truyền thông). Vậy nhưng, vẫn có nhiều người cố tình không biết, không hiểu khi cho rằng ngành GD có lỗi khi để sách tham khảo (STK) tràn lan, chất lượng không được kiểm soát. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản xung quanh vấn đề này.

Phân biệt sách bổ trợ và sách tham khảo

Dư luận xã hội hiện đang rất bức xúc về tình trạng STK tràn lan, đặc biệt gần đây nhất là Nhà xuất bản (NXB) Trẻ lên tiếng về hiện tượng bị mạo danh trên cuốn sách “Phép cộng trừ phạm vi 100”, trong đó có bài toàn “chặt ngón tay” hết sức phản cảm và phản GD. Dư luận cho rằng tình trạng loạn STK như thế này có trách nhiệm của cả Bộ GD&ĐT và phần nào là Cục Xuất bản. Ông đánh giá về điều này như thế nào?

- Trước tiên phải xác định rằng Luật Xuất bản hiện hành không hề có quy định đâu là STK, đâu là sách giáo khoa, đâu là sách phục vụ học tập cũng như sách phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng. Luật Xuất bản chỉ quy định đó là xuất bản phẩm, có những nội dung phục vụ các đối tượng cụ thể.

Riêng đối với sách giáo khoa, đương nhiên phải tuân thủ theo chương trình GD đã được Quốc hội phê chuẩn (đối với sách giáo khoa phổ thông – PV). Còn STK thì có rất nhiều loại: STK theo chương trình - sách giáo khoa phổ thông, STK nâng cao, sách tham khảo dành cho giáo viên… Nhưng là chúng ta gọi theo thói quen vậy thôi, chứ thực tế chưa có một chuẩn nào quy định rõ đâu là STK và việc xuất bản STK phải thực hiện theo các quy trình riêng. 

Với chức năng quản lý nhà nước Bộ Thông tin – Truyền thông giao cho Cục Xuất bản là thống nhất quản lý tất cả các hoạt động xuất bản trực tiếp tại các NXB hiện hành trên cả nước (khoảng 600 NXB). Trong đó, có một số NXB trong giấy phép thành lập Bộ Thông tin – Truyền thông cho phép xuất bản STK cho HS phổ thông.

Những NXB này chủ yếu thuộc hệ thống GD, một số khác thuộc các địa phương các địa phương và chỉ phục vụ tại địa phương đó.

Ngoài ra là một số NXB chuyên ngành có nội dung sách có thể phục vụ công tác giảng dạy, chẳng hạn: NXB Giao thông, xuất bản STK cho HS về an toàn giao thông; Y tế thì xuất bản sách y tế cộng đồng;... nhưng đó chỉ là những sách bổ trợ thôi, chứ chưa phải là SKT, nếu chúng ta hiểu rõ theo quy định của Bộ GD&ĐT về STK là phải bám sát chương trình – sách giáo khoa, chương trình GD mà Bộ GD&ĐT công bố theo sự phê chuẩn của Quốc hội. Đó chỉ là sách bổ trợ để cho HS tham khảo, bổ sung kiến thức theo nhu cầu cá nhân. 

Thực tế thì đây là những xuất bản phẩm mang lại nguồn thu khá lớn cho các cơ sở xuất bản, với danh nghĩa STK dùng cho giáo viên, HS; trong khi có nhiều sản phẩm thực sự kém chất lượng. Cơ quan quản lý nhà nước phải làm gì để ngăn chặn những sản phẩm như vậy và kiểm soát được chất lượng các đầu sách được đưa ra thị trường, thưa ông?

- Chúng ta cũng cần phải khẳng định cho rõ: SKT thực chất là giúp cho hệ thống GD – ĐT hoàn thiện hơn, bổ trợ cho chương trình – sách giáo khoa, giúp HS mở rộng kiến thức xã hội. Thông qua STK, chúng ta cũng có cơ hội tiếp cận được với trình độ GD và phương pháp đào tạo tiên tiến của nước ngoài. Những mặt tích cực, rõ ràng là rất lớn. 

Còn ở mặt tiêu cực, nếu các NXB làm không tốt, không thực hiện nghiêm túc các quy trình theo Luật Xuất bản, không thực hiện tốt khâu kiểm định trong biên tập nội dung cũng như khâu đọc duyệt, in ấn… thì sẽ xảy ra những sai sót tai hại.

Phải thẳng thắn thừa nhận tình trạng nhiều NXB có tư tưởng hiện sắp đến năm học mới rồi, phải in ngay sách để đón đầu, rồi móc nối với các cơ sở GD để tìm đầu ra, thu lợi nhuận về. Từ đó sẽ có một loại sách chạy theo thị trường, bỏ qua chất lượng. 

Trở lại với hiện tượng một số NXB thời gian qua có những sách vi phạm hay bị mạo danh đứng tên ấn phẩm, đây là những vấn đề chúng ta phải cần nhìn nhận rõ. Phải có sự vào cuộc thực sự, của cả cơ quan quản lý là Cục Xuất bản, cả cơ quan chuyên môn là Bộ GD&ĐT.

Bây giờ có những cuốn sách chúng ta xác định được những đối tượng nào thực hiện, nhưng lại có cả những cuốn sách không xác định được nguồn gốc như trường hợp mạo danh NXB Trẻ mà anh đã đề cập.

Cũng là do cuốn sách có nội dung phản cảm, phản GD, dư luận phát hiện và phản đối thì bản thân NXB Trẻ lúc ấy mới biết mình bị mạo danh và lên tiếng kêu cứu. Đáng buồn mà thừa nhận rằng, đó chỉ là một trường hợp mới nhất, nổi cộm nhất gần đây trong tình trạng in lậu đã kéo dài suốt cả quá trình. 

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Học sinh phổ thông loay hoay bên sách tham khảo         Ảnh: Sơn Ngọc
Học sinh phổ thông loay hoay bên sách tham khảo Ảnh: Sơn Ngọc

Với những ấn phẩm bổ trợ kiến thức chất lượng thấp, nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý chuyên môn, nhất là khi đó lại là những xuất bản phẩm hướng về phục vụ đối tượng học sinh sinh viên, khi phát hiện ra những trường hợp này, Cục Xuất bản có hướng xử lý như thế nào?

Theo quy định của Luật Xuất bản, các Giám đốc NXB và Tổng Biên tập NXB chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung xuất bản phẩm, do NXB thực hiện, chịu trách nhiệm trước xã hội cũng như trước pháp luật về sản phẩm của mình đưa ra.

Biên tập viên NXB biên tập ấn phẩm nào thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ấn phẩm đó; họ có quyền biên tập thì cũng có quyền khước từ biên tập nếu nhận thấy nội dung ấn phẩm không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước lại chịu trách nhiệm hậu kiểm, tức sau khi NXB xuất bản xong, nộp lưu chiểu ấn phẩm, lúc ấy chúng tôi mới kiểm tra lưu chiểu. Đó là một quy trình xuất bản.

Trong quá trình đó, nếu phát hiện ra vi phạm thì người chịu trách nhiệm đầu tiên, đó là Giám đốc NXB và Tổng Biên tập NXB. 

Quan điểm của lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước là đối với những hình thức sai phạm đó thì phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm túc, đảm bảo quy định pháp luật và không gây hiệu ứng phản tác dụng đối với xã hội. 

Với STK lại càng phải có hướng xử lý thích hợp nếu có vi phạm. Bởi loại sách này khi đã phát hành ra thì ít nhiều sẽ có học sinh được tiếp cận, có thể chỉ là từ phía gia đình, do vậy công tác xử lý vi phạm cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống GD với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cũng như bản thân các gia đình.

Như vừa rồi một số ấn phẩm sai phạm, trong đó có cả những sách thuộc diện STK, không hề ít, có điều cách xử lý của chúng ta là phải phối hợp chặt chẽ với các cơ sở trường học, với hình thức tôi cho là rất tốt là NXB đề nghị các đơn vị, cơ sở GD phối hợp thu hồi lại hoặc đem sách đến tận nơi đổi lại những ấn phẩm lỗi hay có sai sót về nội dung. 

Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin – Truyền thông đã có những bàn thảo và đang phối hợp triển khai xây dựng Thông tư quy định về xuất bản phát hành STK phổ thông, sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của công luận trong thời gian tới, trước khi trình lãnh đạo hai Bộ ký ban hành trong năm 2014.

Lúc đó, chắc chắn trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ cụ thể hơn trước công luận và hai bộ cũng có thêm công cụ để quản lý.

“Ở đây chúng ta phải xác định đối với STK phần lớn là liên kết của NXB với đối tác bên ngoài thực hiện. Có những đối tác liên kết làm ăn nghiêm túc, đầu tư kỹ với chủ trương đề cao hiệu quả đem lại, thì sẽ tạo ra được những sản phẩm chất lượng, giáo viên và HS thậm chí không cần mời chào mà tự tìm mua để đọc, tham khảo. Nhưng không ít đối tác làm ăn chụp giật, chỉ lo lách luật, tranh thủ sự dễ dãi của một số NXB để tung ra những ấn phẩm kém chất lượng, rồi tìm mọi mối quan hệ để móc nối, giới thiệu vào trường học”. 

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ