Hệ thống trường THPT tư thục loay hoay tìm lối thoát

Hệ thống trường THPT tư thục loay hoay tìm lối thoát
Trường THPT tư thục Hà Huy Tập (Quảng Nam) từng là điểm sáng trong giáo dục ngoài công lập
Trường THPT tư thục Hà Huy Tập (Quảng Nam) từng là điểm sáng trong giáo dục ngoài công lập

(GD&TĐ) - Việc thay đổi cách thức tuyển sinh cùng với đó là sự sụt giảm số lượng học sinh vào lớp 10 trong khi quy mô trường lớp của các trường công lập không thay đổi đã đẩy hệ thống các trường THPT tư thục của Quảng Nam và Đà Nẵng rơi vào tình thế khó khăn. Thậm chí, có trường còn đứng trước nguy cơ giải thể. 

Thoi thóp

Khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng hồ sơ tuyển sinh lớp 10 của các trường THPT tư thục ở hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng ngày càng “teo dần”. Đơn cử, năm học 2013 - 2014 này, Trường THPT tư thục Khai Trí (Đà Nẵng) được giao chỉ tiêu là 135 nhưng chỉ tuyển được 33 HS.

Các trường ở địa bàn Quảng Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Như Trường THPT Phạm Văn Đồng (H. Quế Sơn), toàn trường chỉ có 3 lớp cho cả 3 khối 10, 11 và 12 với 14 HS/khối, khối 12 có nhỉnh hơn một chút cũng chỉ có 15 HS.

Thế nên, số HS của toàn trường thậm chí chưa bằng sĩ số của một lớp ở trường công với tổng cộng 43 em. Có bề dày 15 năm hoạt động, nhưng hai năm học trở lại đây, Trường THPT Hà Huy Tập (Quảng Nam) cũng chỉ tuyển mới chưa đến 100 HS khối 10. 

Theo số liệu tuyển sinh của Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng) mà chúng tôi có được, thì chưa có năm nào, số lượng tuyển mới HS vào lớp 10 “khiêm tốn” như năm học 2013 - 2014 này. Năm học 2011 - 2012, nhà trường tuyển được 6 lớp 10, sang đến năm học 2012 - 2013 chỉ còn 4 lớp và năm nay chỉ còn 2 lớp với chưa đến 100 HS.

Đã có những thời điểm, số lượng tuyển sinh mới lớp 10 của trường đủ để biên chế từ 8 - 10 lớp, HS muốn vào Trường Quang Trung phải có hạnh kiểm khá trở lên. 

Sự biến động về sĩ số của các trường tư thục đã kéo theo sự sụt giảm nguồn thu, đẩy các trường lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Như Trường THPT Phạm Văn Đồng, thầy Hiệu trưởng vừa đảm nhiệm thêm công việc của giám thị, thậm chí có khi làm luôn cả việc đánh trống báo tiết nhưng thu nhập hàng tháng cũng chỉ ở mức… 800 nghìn đồng, gọi là khoản hỗ trợ chi phí đi lại.

Trao đổi với PV, ông Võ Ngọc Hoàng - Chủ tịch HĐQT Trường  THPT tư thục Phạm Văn Đồng cho biết: “Để duy trì hoạt động, nhà trường vận động đội ngũ cán bộ gián tiếp chia sẻ khó khăn với nhà trường bằng cách nhận lương theo hướng hỗ trợ chi phí đi lại, số tiền học phí thu được dành cho việc trả lương đứng lớp cho GV…”.

Cho dù như thế, nhưng nhà trường cũng vẫn không đủ  kinh phí trả lương đứng lớp cho GV và đội ngũ nhân viên gián tiếp gồm 19 người với mức thu học phí 400.000đồng/tháng như hiện nay.

Trường THPT Hà Huy Tập, đầu năm học này, đã phải thôi không ký hợp đồng với 15 GV diện hợp đồng, chỉ giữ lại 27 GV, CBQL cơ hữu và 7 nhân viên hành chính quản lý, đồng thời cắt giảm 25% lương tháng. 

Bài toán nào cho trường tư?

Giải thích nguyên nhân tình trạng tuyển sinh của các trường tư ngày càng khó khăn, ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, quy mô HS lớp 9 của toàn thành phố giảm nhanh, đơn cử như năm học này giảm đến 1.500 HS. Phía Sở GD&ĐT cũng đã tạo điều kiện trong tuyển sinh cho các trường tư khi tham mưu với UBND thành phố cho phép các trường này được xét tuyển trước các trường công lập. Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng đã giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tối đa theo đề xuất của các trường ngoài công lập là 1.665 HS/37 lớp, chiếm 15,7% so với tổng số học sinh lớp 9.

Mức học phí cao hơn gấp nhiều lần so với các trường công lập, chất lượng đầu vào thấp ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình dạy - học… nên trường tư khó thu hút học sinh. Đó là nguyên nhân mà cả phía trường tư lẫn cơ quan quản lý ngành GD&ĐT đều thừa nhận.

Thế nhưng, đại diện các trường tư thục còn cho rằng, chính phương án tuyển sinh của Quảng Nam trong hai năm qua (xét tuyển kết hợp với phân tuyến theo trường THCS) đã khiến các trường THPT tư thục rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của các trường THPT công lập ở Quảng Nam chiếm từ 93 - 96% số HS lớp 9, đó là chưa kể hệ thống các trung tâm GDTX, dạy nghề, các trường trung cấp, cao đẳng khác cũng tuyển số HS không học lên lớp 10. 

Khó khăn về tuyển sinh đã đẩy nhiều trường ngoài công lập trước nguy cơ phá sản. Cuối tháng 10/2013 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Trường THPT Hà Huy Tập nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng đã dự liệu đến tình huống xấu nhất là nhà trường sẽ dừng hoạt động. 

Cũng đã có ý kiến cho rằng, các trường THPT tư thục cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược phát triển.

Trong một vài năm tới, quy mô HS THCS và THPT vẫn còn tiếp tục giảm, trong khi số lượng GV và trường lớp công lập vẫn không thay đổi, nếu các trường tư cứ chờ đợi HS không đủ điểm các trường công mới nộp hồ sơ sang học trường tư như hiện nay thì rất khó để phát triển bền vững. 

Hà Nguyên - Phan An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ