Thái Lan: Ra lệnh bắt lãnh đạo Đảng Dân chủ

Thái Lan: Ra lệnh bắt lãnh đạo Đảng Dân chủ
Biểu tình rầm rộ tại Bangkok ngày 25/11
Biểu tình rầm rộ tại Bangkok ngày 25/11

(GD&TĐ) - Ngày thứ ba (26/11), đoàn biểu tình do Đảng Dân chủ Thái Lan tổ chức đã bao vây các Bộ Nội vụ, Nông nghiệp, Giao thông vận tải cũng như Thể thao và Du lịch. Trước đó, ngày thứ hai (25/11), hàng ngàn người biểu tình của phe đối lập đã tràn vào tòa nhà Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, biến những nơi này thành “sân khấu chính trị” để thỏa sức hò hét đòi giải tán chính phủ. Lại một lần nữa Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn.

Biểu tình lan rộng 

Bắt đầu từ chủ nhật (24/11), gần 200 ngàn người ủng hộ Đảng Dân chủ đã tụ tập tại Đài tưởng niệm dân chủ ở Bangkok chuẩn bị cho cuộc biểu tình được coi là lớn nhất trong nhiều năm qua. Ngày 25/11, hàng chục ngàn người biểu tình đã phong tỏa một số tòa nhà của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

Người biểu tình cắt điện, yêu cầu các quan chức ngừng cấp kinh phí cho mọi hoạt động của Chính phủ Thái Lan. Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban - người lãnh đạo Đảng Dân chủ kêu gọi người biểu tình chiếm đóng các trụ sở của tất cả các bộ với mục đích làm tê liệt mọi hoạt động của chính phủ tiến đến lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Theo Bangkok Post, đến ngày 25/11, đoàn biểu tình đã chiếm được 13 địa điểm quan trọng gồm các khu vực quân sự và các đài truyền hình ở Bangkok.

Phóng viên Anton Makhrov của “Kommersat FM” tại Thái Lan đưa tin: Theo các con số thống kê, vào những ngày gần đây có khoảng 140 - 400 ngàn người tham gia biểu tình. Còn theo thủ lĩnh Suthep Thausuban, Đảng Dân chủ đã huy động được gần 1 triệu người tham gia biểu tình. 

Tuy nhiên, theo Anton Makhrov, vào ngày chủ nhật, trên các đường phố của Bangkok có khoảng 100 ngàn người xuống đường. Phe đối lập cam kết sẽ tiếp tục có những hành động chống đối chừng nào những yêu cầu của họ chưa được đáp ứng.

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của phe đối lập là giải tán chính phủ của bà Yingluck Shinawatra- em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - người bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ Yingluck Shinawatra bùng nổ từ tháng 10 năm nay do đề xuất một dự luật ân xá có thể mở đường cho sự hồi hương của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. 

Theo “Kommersant” (Nga), mặc dù dự luật này đã bị bãi bỏ trước sức ép của dư luận nhưng phe đối lập cho rằng, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đang bị “điều khiển từ xa” bởi Thaksin Shinawatra. Một chính phủ như vậy, theo họ, dĩ nhiên phải loại bỏ. Về cơ bản, các cuộc biểu tình diễn ra trong không khí hòa bình, không có đàn áp, bạo động.

Phản ứng của chính quyền Yingluck Shinawatra

Trước sức ép ngày một gia tăng từ đoàn người biểu tình trên đường phố Bangkok, đảng cầm quyền Puea Thai “Vì nước Thái” và Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố không chấp nhận bất cứ sự nhân nhượng nào và tất nhiên không từ chức.

Từ ngày thứ hai (25/11) Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã quyết định áp đặt luật an ninh đặc biệt tại Bangkok và những vùng phụ cận. Luật an ninh đặc biệt này có hiệu lực đến ngày 31/12.

Tuy nhiên, bà Yingluck Shinawatra cam kết sẽ không dùng vũ lực để giải tán hay đàn áp người biểu tình. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Yingluck Shinawatra kêu gọi tiến hành đối thoại để giải quyết tình trạng bế tắc về chính trị hiện nay.

Ngày thứ ba, Tòa án hình sự Thái Lan ban lệnh bắt giữ Suthep Thausuban vì tội kích động dân chúng chiếm đóng các tòa nhà của chính phủ.

Còn nhớ vào năm 2010, làn sóng biểu tình chống đối cũng do Đảng Dân chủ phát động đã cướp đi sinh mạng của 90 người. Thủ đô Bangkok tê liệt trong thời gian khá dài. Những cuộc biểu tình như thế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Thái Lan, nhất là ngành du lịch.

Theo các nhà phân tích, mâu thuẫn về đường lối giữa hai đảng (Puea Thai và Dân chủ) là cội nguồn dẫn đến những bất ổn ở Thái Lan. Đảng Dân chủ có mối quan hệ mật thiết với Hoàng gia và tầng lớp quý tộc kiểu cũ đã ra sức bảo vệ cho quyền lợi của họ.

Đã 8 năm qua, đại diện của các tầng lớp quý tộc cũ không ngừng nghỉ đấu tranh giành quyền lực với các tầng lớp quý tộc mới do Thaksin Shinawatra lãnh đạo.

Không ít các nhà phân tích đồng tình với nhận xét của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu rằng, kể từ khi lên nắm chính quyền, Thaksin đã làm thay đổi toàn bộ nền chính trị của đất nước chùa Vàng. 

Chính sách của Thaksin là quan tâm đến đời sống của dân nghèo, chính vì vậy, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Thái giảm đi trông thấy. Chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng đi theo con đường ấy và được đông đảo nhân dân lớp dưới ủng hộ.

Theo các nhà phân tích, cuộc biểu tình đang diễn ra theo luật pháp quy định và như vậy, quân đội Thái đứng vai trò trung gian. Tuy nhiên, nếu có bạo động và đổ máu, chắc chắn quân đội sẽ can thiệp và khi đó, rất có thể chính phủ sẽ bị giải thể và một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra. 

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.