Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động của học sinh

Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động của học sinh
Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh)
Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Đại Dực (Tiên Yên, Quảng Ninh)

(GD&TĐ) - Ngày 26/11, tại huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Hội thảo về “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động của học sinh” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em và huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức.

Hoạt động này nằm trong dự án “Tăng cường tiếp cận giáo dục chất lượng cho học sinh dân tộc thiểu số tại 3 tỉnh Lào Cai,  Quảng Trị và Quảng Ninh do quỹ IKEA hỗ trợ.

Dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Bích - Giám đốc chương trình - Tổ chức Cứu trợ Trẻ em; Ông Hoàng Mạnh Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cùng đông đảo thầy cô giáo ở các tỉnh bạn Lào Cai và Quảng Trị.

Tiên Yên là một huyện miên núi có 12 đơn vị xã, thị trấn với trên 50% dân số là dân tộc ít người, trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn: Hà Lâu, Đại Dực, Đại Thành và Điến Xá. Địa bàn rộng có nhiều thôn, bản xa xôi, dân cư phân tán, đường sá đi lại khó khăn.

Với 14 trường (8 trường tiểu học và 6 trường liên cấp tiểu học và THCS) nằm trên địa bàn huyện, công tác dạy và học của thầy và trò luôn được các cấp lãnh đạo huyện, phòng giáo dục quan tâm nên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là công tác chuyên môn, trước đây còn nặng về hình thức biểu diễn, gò ép theo mẫu, mang tính đơn lẻ, độc lập của từng cá nhân thì nay đã đã có nhiều thay đổi: Sinh hoạt chuyên môn theo kế hoạch tuần, tháng, năm; Sinh hoạt tổ chức lồng ghép chuyên đề để chia sẻ những vướng mắc trong chuyên môn; Chia sẻ, rút kinh nghiệm chuyên môn…

Chia sẻ, trao đổi phương pháp giảng dạy khuyến khích sự tham gia tích cực của học sinh trong việc dạy và học bằng cách lấy học sinh làm trung tâm đã dần hạn chế được việc sinh hoạt chuyên môn truyền thống.

Với hai trường thí điểm: Trường tiểu học Thị Trấn và Trường tiểu học Tiên Lãng đã rút được kinh nghiệm chuyên môn là bài dạy minh hoạ sẽ đem lại hiệu quả cao. Kỹ thuật và phương pháp dạy học cũng không còn đi theo lối mòn mà có sự lựa chọn phù hợp với đặc trưng của địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Người đến dự giờ cũng không còn ngồi một chỗ cố định ở cuối lớp như trước đây mà có thể  ngồi học bất kỳ chỗ nào nếu thấy thuận lợi cho việc quan sát học sinh.

Nhận thấy hiệu quả từ việc thực hiện thí điểm mô hình sinh hoạt chuyên môn, Phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên đã nhân rộng mô hình ra 4 trường nữa: Tiểu học Hải Lạng, Tiểu học Đông Ngũ 1; Tiểu học Đông Hải; Phổ thông cơ sở Yên Than từ tháng 1/2013.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích - Giám đốc chương trình - Tổ chức Cứu trợ Trẻ em - cho biết: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hiện đã triển khai mô hình này tại 3 tỉnh: Lào Cai, Quảng Trị và Quảng Ninh (gồm 6 huyện: Hướng Hoá, ĐaKrông, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bảo Yên và Văn Bàn). Phương pháp “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động của học sinh” bước đầu đã thu được kết quả, gây được hứng thú cho cả giáo viên và học sinh trong việc dạy học.

Phương pháp này dựa trên kết quả học tập của học sinh để đánh giá giáo viên, giúp giáo viên chú ý giúp đỡ các em học sinh yếu kém tiến bộ nhiền hơn. Đó thật sự là phương pháp mới giúp giáo viên có cách cải tiến phương pháp dạy học như thế nào để học sinh tiến bộ. Học tập chia sẻ kinh nghiệm đó chính là “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động của học sinh”.

Hiền Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ