Hướng tới mức lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua

Hướng tới mức lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua
Thiên tai khiến giá cả lương thực, thực phẩm tăng mạnh
Thiên tai khiến giá cả lương thực, thực phẩm tăng mạnh

(GD&TĐ) - Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước tháng 11/2013. Có 9/11 nhóm hàng giá tăng nhưng mức tăng không cao, 2/11 nhóm hàng có chỉ số giảm – giúp CPI tháng 11 chỉ tăng 0,34%. Như vậy mục tiêu CPI cả năm dưới 6,8% có thể sẽ đạt được và lạm phát năm nay nhiều khả năng sẽ là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Dấu ấn của thiên tai

Trong số nhóm hàng tăng giá, tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 0,62% so với tháng 10, tăng 4,86% so với cùng kỳ và 4,57% so với tháng 12/2012. Đáng chú ý là chỉ số giá lương thực tăng rất mạnh, ở mức 1,29% so với tháng 10; trong khi thực phẩm tăng 0,56% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,17%.

Trong đó nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng cao đột biến là do mưa lũ ở miền Trung. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung lần lượt tăng 0,78% và 0,77%, cao hơn hẳn mức tăng chung của cả nước và các khu vực lớn như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, giá lương thực tháng 11/2013 tăng 1,29% so với tháng trước. Giá gạo ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng khá mạnh, do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt nên nguồn cung bị thiếu hụt. Giá gạo tẻ tại các tỉnh phía Nam bắt đầu tăng lên từ 100-200 đồng/kg, do các thương lái thu gom phục vụ xuất khẩu và vận chuyển gạo ra các tỉnh phía Bắc.

Cụ thể chỉ số giá các mặt hàng gạo như sau: Gạo tẻ thường tăng 1,58%; gạo tẻ ngon tăng 1,46%; gạo nếp tăng 0,88%.

Đặc biệt mặt hàng rau xanh tuy chiếm tỉ trọng thấp trong nhóm hàng ăn nhưng việc tăng giá cao do lũ lụt ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.  Mưa lớn gây úng nhiều nơi đã ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ sinh trưởng của cây trồng nên sản lượng rau xanh bán ra thị trường giảm đáng kể làm cho giá rau xanh tăng 1,76%.

Yếu tố thời tiết khi bước vào mùa thu đông khiến nhóm hàng may mặc tăng, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc. Giá quần áo tăng 3 - 5%; vải các loại tăng 0,38%; giày dép tăng 0,2%; dịch vụ may mặc tăng 0,26% so tháng trước.

2 nhóm hàng có chỉ số giảm là Viễn thông (giảm 0,2%) và Giao thông (giảm 0,34%).

Tín hiệu khả quan từ 2 đầu tầu kinh tế 

Tổng cục Thống kê cho biết, tính riêng khu vực thành thị, CPI tháng 11 tăng 0,29%, khu vực nông thôn tăng 0,37%. Trong 10 khu vực tỉnh thành được đưa ra, Cần Thơ là tỉnh có chỉ số CPI tháng 11 tăng cao nhất, 0,57%. Đà Nẵng là tỉnh "kìm chân" lạm phát tốt nhất, CPI tháng 11 chỉ tăng 0,16%. Hai đầu tàu kinh tế của đất nước là Hà Nội tăng 0,26%, TP HCM tăng 0,17% - thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 0,34% trên cả nước.

Bên cạnh những yếu tố khiến CPI tăng do tính đặc thù thiên tai, thời tiết, mùa vụ… thì cũng có những yếu tố kìm giá tăng cao như nguồn cung hàng hóa được đảm bảo tốt; giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 250đ/ lít từ ngày 11/11/2012 cộng với hiệu ứng của đợt giảm ngày 7/10/2013 nên chỉ số giá xăng dầu giảm 0,86%; giá vàng dù không tính vào rổ hàng hóa tính CPI – giảm trên thị trường quốc tế cũng gián tiếp tác động ổn định giá thị trường trong nước.

Với mức tăng 0,34% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ số CPI tháng 11 đã góp phần giữ CPI 11 tháng qua ở mức 5,54%, và cả năm được dự báo sẽ tăng khoảng 6,2-6,3%. Như vậy, mục tiêu CPI cả năm dưới 6,8% có thể sẽ đạt được, do tháng 12 CPI sẽ khó có thể tăng quá 1,3% so với tháng 11. Như vậy lạm phát năm nay có thể sẽ là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Hải Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ