Ngân vang tiếng trống Bắc Lý

Ngân vang tiếng trống Bắc Lý
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao quà của Nhà xuất bản GD cho Trường THCS Bắc Lý
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao quà của Nhà xuất bản GD cho Trường THCS Bắc Lý

(GD&TĐ) - Sáng 8/11, tại Trường THCS Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam), Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam  tổ chức Hội thảo “Làm theo lời Bác, phát huy truyền thống Bắc Lý, thực hiện đổi mới Giáo dục Phổ thông”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện 20 Sở GD&ĐT đại diện cho các vùng miền trên cả nước. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm Hội nghị T.Ư 8 khóa XI vừa thông qua Nghị quyết về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Từ “kiểu dạy, kiểu học” Bắc Lý

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao quà của Nhà xuất bản GD cho Trường THCS Bắc Lý
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Tháng 7/1961, trong bài đăng trên báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương “Thành tích vẻ vang” của ngành Giáo dục và phát động phong trào thi đua “Hai tốt”, tức là “Học thật tốt”, “Dạy thật tốt”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, ngày 18/10/1961, Bộ Giáo dục và Công đoàn GD VN đã tổ chức một hội nghị tổng kết kinh nghiệm GD tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam).

Trong hội nghị này, Trường cấp 2 Bắc Lý được tuyên dương là Đơn vị lá cờ đầu của ngành Giáo dục.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Hai tốt”, các trường trên toàn miền Bắc đã thực hiện khẩu hiệu “Thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, tiến kịp và tiến vượt Bắc Lý”.

Quá trình 60 năm xây dựng và phát triển của Trường THCS Bắc Lý đã tạo nên “kiểu dạy, kiểu học” Bắc Lý, thể hiện rõ phương châm giáo dục “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Kiểu dạy, kiểu học Bắc Lý đã đề cập cụ thể và sinh động phương hướng, nội dung, phương pháp và tổ chức hoạt động của thầy và trò. Bắc Lý đã tiếp thu một cách có chọn lọc, có phê phán, những cái hay, cái tốt của khoa sư phạm cổ điển (soạn bài chu đáo, chấm bài kĩ, dạy hết chương trình, sử dụng đồ dùng dạy học trực quan…) và những thành tựu của khoa học phát huy trí thông minh của học sinh, hợp lý hóa quá trình dạy học…

Song nội dung cơ bản của Bắc Lý vẫn là những sáng tạo độc đáo để dạy thật tốt, học thật tốt trong hoàn cảnh của nông thôn VN thời kỳ đó. TS Nguyễn Thị Hoàng Yến (Viện Khoa học GD VN) đánh giá: qua tìm hiểu thực tiễn nhận thấy nhà trường luôn kiên trì thực hiện mục tiêu GD toàn diện. Bắc Lý đã hướng toàn bộ hoạt động của mình để đào tạo HS trở thành những người lao động phổ thông mới ở nông thôn; học để xây dựng quê hương là mục đích cao cả của việc dạy và học ở Bắc Lý.

Phát huy kinh nghiệm Bắc Lý cho đổi mới GD Phổ thông

Trong Nghị quyết về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT vừa được Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI, thông qua, mục tiêu tổng quát của đổi mới là: Giáo dục con người VN phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kĩ năng cơ bản, khả năng sáng tạo…; Xây dựng nền GD mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lí tốt…

Có thể nói mục tiêu tổng quát trên đây trùng khớp với nguyên lý GD mà Bắc Lý đã thực hiện trong 60 năm qua là GD toàn diện, học đi đôi với hành, khuyến khích sáng tạo... Tuy nhiên cần vận dụng linh hoạt và phù hợp những kinh nghiệm nhà trường Bắc Lý trong điều kiện hiện nay.

TS Đặng Quốc Bảo (Học viện Quản lí GD) nhấn mạnh: Nhắc tới thành tựu to lớn của các điển hình GD thời kì XHCN như Trường cấp 2 Bắc Lý không có hàm ý mong các nhà trường phổ thông VN phải máy móc trở lại cách làm của Bắc Lý trước đây.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng: Vô luận trong bất cứ trường hợp nào, các nhà trường phổ thông Việt Nam đều phải coi trọng việc GD lao động và phải tiến hành lĩnh vực này có thực chất, có hiệu quả.

Để thực hiện tốt định hướng phát triển năng lực người học trong chương trình GD phổ thông sau 2015, góp phần thực hiện: dân chủ hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa…, TS Lương Việt Thái (Viện Khoa học GD VN) nêu ý kiến: trong thời gian tới cần tăng cường phân cấp cho các nhà trường trong việc phát triển, quản lý thực hiện chương trình GD phổ thông.

Đề cập về tầm quan trọng của đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm nhằm đáp ứng đổi mới GD phổ thông, TS Lê Huy Hoàng (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh tới công tác bồi đắp phẩm chất nhà giáo; làm sao để mỗi sinh viên sư phạm khi ra trường phải tự hào, gắn bó với nghề dạy học, yêu thương và tôn trọng học sinh, dám nghĩ dám làm có khát vọng cống hiến để hướng tới “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Có thể nói Hội thảo là diễn đàn chia sẻ, đóng góp ý kiến quí báu cho việc đổi mới Giáo dục Phổ thông của từng nhà trường nói riêng và ngành GD nói chung.

Làm theo lời Bác, phát huy triền thống Bắc Lý, đổi mới giáo dục phổ thông cần được thực hiện đồng bộ về mục tiêu GD, chương trình GD, phương pháp GD, cách thức kiểm tra, đánh giá và công tác quản lý GD.

TS Nguyễn Vinh Hiển Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Đức Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ