Nga - Ai Cập: Cuộc "tái hôn" chiến lược

Nga - Ai Cập: Cuộc "tái hôn" chiến lược
Tổng thống Ai Cập Adly Mansur tiếp trọng thể các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga và Ai Cập tại Cairo
Tổng thống Ai Cập Adly Mansur tiếp trọng thể các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga và Ai Cập tại Cairo

(GD&TĐ) - Thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ ngừng một phần viện trợ vũ khí cho Ai Cập, quan hệ Moskva -Cairo nồng ấm hẳn lên. Những chuyến công du Cairo của các Bộ trưởng Nga ngày một dày hơn và kết quả của nó là một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá khoảng 1 - 4 tỷ USD. Quan hệ Nga - Ai Cập tốt đến nỗi giới phân tích không ngại ngần đặt câu hỏi: Liệu Nga có đặt căn cứ quân sự của họ trên lãnh thổ Ai Cập?

Vắng Mỹ đã có Nga

Những ngày này, Nga và Ai Cập đang hân hoan kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chỉ cách đây có vài ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã có cuộc gặp gỡ với những người đồng cấp Ai Cập (Bộ trưởng Ngoại giao Nabil Fahmy và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi) trong khuôn khổ “2+2”.

Trong lịch sử quan hệ Nga - Ai Cập, đây là lần đầu tiên hai nước tổ chức cuộc gặp theo hình thức này và chuyến thăm Cairo của ông Sergei Lavrov cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Nga sau 40 năm gần đây.

Trọng tâm của các cuộc đàm phán Nga-Ai Cập không ngoài mục đích- Nga bán cho Ai Cập theo một hợp đồng vũ khí “khủng”. Trong bối cảnh Mỹ tạm thời rút lui khỏi vị trí đối tác cung cấp vũ khí chủ đạo cho Ai Cập, Nga không ngại ngần tiến lên phía trước.

Theo các chuyên gia, tổng trị giá hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga và Ai Cập lần này có thể lên tới 4 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Ruslan Pukhov - thành viên của đoàn Bộ Quốc phòng Nga, người trực tiếp tham gia đàm phán với các đối tác Ai Cập thì trị giá hợp đồng này có vẻ như khiêm tốn hơn - “dự kiến vài trăm triệu hoặc 1 tỷ USD”.

Cũng theo lời Ruslan Pukhov thì Ai Cập quan tâm chủ yếu đến hệ thống phòng không và các máy bay quân sự. “Tôi nghĩ, họ không đủ tiền để mua S -300. Ai Cập đã mua hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung Tor-29 và Buk-M2…

Tất nhiên, chúng tôi muốn họ quan tâm đến loại máy bay Mig - 29 - loại máy bay đang được sử dụng tại nước này”- Ruslan Pukhov cho biết.

Vào thời điểm hiện tại, 60% các phương tiện phòng không của Ai Cập có nguồn gốc từ Liên Xô. Hiện Ai Cập đang sử dụng máy bay chiến đấu Mig - 21, nhưng là mô hình cũ. Theo các chuyên gia, Ai Cập cũng quan tâm đến Su - 30, loại máy bay huấn luyện chiến đấu Yak - 130, máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi - 17 và bệ phóng tên lửa.

Kết thúc cuộc gặp gỡ tại Cairo, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố đã thỏa thuận với người đồng cấp Al-Sisi rằng “trong tương lai gần có thể thực hiện các bước theo thỏa thuận về hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự”.

Ngoài ra, quân đội Nga và Ai Cập sẽ tổ chức tập trận chung thường niên và hai nước sẽ sát cánh bên nhau trên mặt trận chống khủng bố. Chưa hết, phía Ai Cập đề nghị Nga xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí trên lãnh thổ của họ và có thể xuất khẩu vũ khí sang các nước thứ ba.

Tương lai nào cho quan hệ Nga - Ai Cập?

Nga và Ai Cập thiết lập quan hệ ngoại giao đã tròn 70 năm. Vào năm 1955, Ai Cập trở thành nước ngoài đầu tiên (trừ các nước trong hệ thống XHCN) mua vũ khí của Liên Xô. Tuy nhiên, đến những năm 1970, quan hệ giữa hai nước xấu đi nhanh chóng. Phát biểu trong cuộc họp báo chung diễn ra ngay sau cuộc gặp gỡ “2+2”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Ai Cập, nhất là sau cuộc đảo chính do al - Sisi tiến hành.

Cũng theo lời Sergei Lavrov thì Moskva không có ý định chiếm chỗ của Washington bởi các nước vùng Vịnh đứng đầu là Arabia Saudi rất có thể “không cho phép Ai Cập làm như vậy”. Nguyên nhân hết sức đơn giản - sự ủng hộ cũng như viện trợ của Arabia Saudi có ý nghĩa sống còn đối với chế độ quân sự ở Ai Cập hiện nay.

Hợp tác quân sự với Nga được xem như những thay đổi đầu tiên mà Ai Cập hướng đến trong chính sách đối ngoại độc lập của họ. Nhà phân tích chính trị Osama El-Dalil của tờ Al-Ahram al-Araby Magazine (Ai Cập) cho rằng, chuyến thăm Cairo của các bộ trưởng Nga vừa qua là dấu hiệu thể hiện quyết tâm của cả hai bên trong việc khôi phục quan hệ đối tác chiến lược thực sự. “Sau 4 thập kỷ qua, liên minh Ai Cập - Mỹ đã gây khó dễ với Cairo trong việc phát triển quan hệ chiến lược với các cường quốc khác như Nga.

Giờ đây, Ai Cập quyết không lặp lại những sai lầm tương tự”- Osama El-Dalil nhận định. Chia sẻ với Osama El-Dalil, nhà phân tích chính trị Nga và là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo thuộc Viện nghiên cứu Phương Đông Boris Dolgov cho rằng chính sách đối ngoại của lãnh đạo mới ở Ai Cập đã thay đổi.

“Đây là sự phát triển hết sức logic trên cơ sở viện trợ của Mỹ bị “đóng băng”. Việc Ai Cập hướng tới Nga dựa trên những lý do lịch sử. Người Ai Cập cho rằng đây là giai đoạn hồi sinh hình ảnh của Gamal Abdel-Nasser. Ở Cairo, chân dung của Nasser được treo bên cạnh chân dung của al-Sisi và Putin. Tôi cho rằng đó là điều hợp lý bởi chính sách mới - thân Nga đáp ứng được lợi ích quốc gia của Ai Cập…” - Boris Dolgov nhận định.

Còn Ruslan Pukhov cho rằng quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Ai Cập đã tạo ra “lỗ hổng” trong cấu trúc của khu vực. “Giờ là lúc chúng ta sử dụng lỗ hổng này để khôi phục lại ảnh hưởng của Nga ở khu vực”- Ruslan Pukhov nhấn mạnh.

Sẽ còn hơi sớm để nói về quan hệ hợp tác chiến lược Nga - Ai Cập, về việc Nga sẽ xây dựng căn cứ quân sự của họ trên lãnh thổ Ai Cập như báo chí phương Tây đưa tin mấy ngày qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cả Arabia Saudi và Ai Cập đều muốn thoát ra bởi “vòng xoáy” của Mỹ thì một quan hệ tốt đẹp với Nga được coi là “những tia nắng mới của một ngày mới” ở Trung Đông và Bắc Phi.

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.