"Tôn trí đại thịnh"

"Tôn trí đại thịnh"

(GD&TĐ) - Những ngày này, các trường học trong cả nước hối hả không khí bế giảng năm học 2012 – 2013 và chuẩn bị cho năm học mới 2013 - 2014. Đồng thời cũng trong dịp này ngành Giáo dục và những cơ quan nhà nước có liên quan tới giáo dục nước nhà đang chuẩn bị xây dựng chương trình giáo dục và viết các bộ sách giáo khoa mới bậc học phổ thông nhằm đổi mới toàn diện nền giáo dục ở Việt Nam cho phù hợp với thực tế đất nước hiện nay và tiến kịp với giáo dục thế giới.

"Tôn trí đại thịnh" ảnh 1
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được khắc trên một trong những văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bàn về giáo dục và đào tạo là bàn về chữ Trí. Trí là tri thức, là khoa học, là trí tuệ, là sự hiểu biết, là trình độ học vấn, là văn hoá. Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã đặc biệt coi trọng chữ Trí - tức là coi trọng giáo dục và đào tạo.

Tagor nhà thơ lớn của Ấn Độ và thế giới đầu thế kỷ XX đã viết: "Kiến thức là kết tinh của loài đá quý nhất, văn hóa là ánh sáng rực rỡ do đá quý phát ra". Qua câu nói trên của Tagor ta có thể hiểu để có được kiến thức như là "sự kết tinh của loài đá quý" để rồi từ hòn đá quý "phát ra ánh sáng rực rỡ". Để phát ra được ánh sáng rực rỡ  là nhờ có học vấn, có giáo dục và đào tạo.

Nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII đã tổng kết: "Phi trí bất hưng" - nghĩa là không có trí thức, không có học vấn, không có văn hoá thì đất nước tất sẽ yếu hèn, suy vong.

Văn bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất 1442 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám có ghi: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương, thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết". Vậy hiền tài nhờ đâu mà có? chỉ "nhờ có học mới nên" "nhờ học rộng" mới có "tài cao".

Ông vua có tinh thần yêu nước Thành Thái trong chỉ dụ thành lập Trường Quốc học Huế ngày 23/10/1896 có đoạn viết: "Phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất để mở mang trí thức, để đào tạo tài năng, hầu giải quyết các vấn đề chính trị và hành chính và điều hoà giáo dục đúng phương pháp là phương tiện để khai thông dân trí, để đào tạo nhân tài.

Và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, nhà văn hoá lớn của Việt Nam trong một lần tiếp xúc với trí thức đã nói: "Có nó (tri thức) thì sẽ có tất cả, thiếu nó thì cái còn lại còn gì là đáng giá".

Lời người xưa khiến chúng ta phải suy nghĩ về vai trò của đội ngũ trí thức ngày nay. Chúng ta đã thực sự coi trọng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu chưa? Chúng ta đã thực sự tôn vinh những người học rộng, tài cao chưa? Chúng ta đã thực sự động viên và có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với những học sinh, sinh viên đỗ cao trong các kỳ thi ở trong nước và quốc tế chưa? Chúng ta đều có làm, nhưng chưa bài bản, chưa thành một chế độ chính sách rõ ràng, chưa in dấu ấn đậm nét về những người đỗ cao, học giỏi, về những nhà khoa học trí thức tiêu biểu, thông qua công tác truyền thông. Tại sao chúng ta không học người xưa mà khắc bảng vàng, bia đá tôn vinh những người xuất chúng về sự học để thế hệ trẻ hiện tại học tập noi theo và lưu danh hậu thế. 

Tiếc thay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh các ca sĩ, nghệ sĩ, hoa hậu, người mẫu còn choán chỗ quá nhiều mà vắng bóng những gương sáng về học hành, thi cử, những nhà khoa học miệt mài với sự nghiệp nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, giúp đất nước trở nên hiện đại, văn minh. Đã đến lúc phải có cách nhìn lại, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên nói giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng biện pháp thực hiện quốc sách hàng dầu thì còn chưa có nhiều.

 Xin một lần nữa nhắc lại lời người xưa:

- Phi trí bất hưng

- Hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Vũ Xuân Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ