“Ảnh tự sướng” - hiện tượng ngôn ngữ 2013

“Ảnh tự sướng” - hiện tượng ngôn ngữ 2013
“Ảnh tự sướng” trở thành hiện tượng ngôn ngữ của năm 2013
“Ảnh tự sướng” trở thành hiện tượng ngôn ngữ của năm 2013

 “Selfie” (tạm dịch: “ảnh tự chụp” hoặc “ảnh tự sướng”) vừa được ban biên tập loạt từ điển tiếng Anh nổi tiếng thế giới - Oxford English Dictionary - bình chọn là “từ khóa của năm 2013”. Xung quanh từ vựng này có rất nhiều điều thú vị.

Kể từ năm 2004, Nhà xuất bản Oxford University Press (Anh), đơn vị xuất bản hàng loạt cuốn từ điển tiếng Anh uy tín trên khắp thế giới, đã thành lập một danh hiệu thú vị, đó là “Word of the Year” hay còn gọi là “từ khóa của năm”.

Từ khóa tiếng Anh này không nhất thiết phải được tạo ra trong vòng một năm nhưng nó nhất định phải là từ khóa nổi bật nhất, đáng chú ý nhất trong năm đó.

Theo thống kê của nhà xuất bản uy tín Oxford University Press, từ “selfie” đã được sử dụng trong năm 2013 nhiều hơn tới… 17.000% so với năm 2012. Từ khóa này đã lập nên kỷ lục về tần suất sử dụng trong cộng đồng những người sử dụng tiếng Anh.

Bức ảnh “Selfie” của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nữ diễn viên Meryl Streep.
Bức ảnh “Selfie” của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nữ diễn viên Meryl Streep.

Theo định nghĩa, “selfie” là “một bức ảnh tự chụp, thường được thực hiện bằng điện thoại thông minh hoặc webcam của các thiết bị điện tử, sau đó được đăng tải lên mạng xã hội”. Trong tiếng Việt, chúng ta có một cụm từ “dân dã” mang ý nghĩa tương đương, đó là “chụp ảnh tự sướng”, “đăng lên Facebook”.

“Selfie” thực tế không phải là một từ mới nhưng phải tới năm 2013 này, người ta mới biết tới từ này một cách rộng rãi. Trong năm 2013, từ này xuất hiện liên tục trên mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, trở thành một từ thông dụng và thời thượng. “Selfie” là cách miêu tả vắn tắt việc một ai đó “tự sướng với điện thoại”.

Theo một thống kê của nhà xuất bản Oxford University Press, từ “selfie” được sử dụng trung bình khoảng 150 triệu lần trong vòng một tháng. Trước đây, chưa có từ khóa nào có thể trở thành một “hiện tượng từ vựng” phổ biến rộng rãi như “selfie” trong năm 2013 này.

Bức ảnh “tự sướng” của phi hành gia người Nhật Aki Hoshide chụp ngoài không gian vũ trụ.
Bức ảnh “tự sướng” của phi hành gia người Nhật Aki Hoshide chụp ngoài không gian vũ trụ.

Từ “selfie” được ghi nhận xuất hiện lần đầu vào tháng 9/2002 trên một diễn đàn mạng ở Úc. Một người đàn ông sau khi say rượu đã bị trượt cầu thang và rách môi. Người đàn ông này đã tự chụp “dung nhan khốn khổ” của mình sau vụ tai nạn, đăng lên diễn đàn và gọi đó là một “selfie”.

Các nhà ngôn ngữ khẳng định chính mạng xã hội đã giúp cho “selfie” trở thành từ vựng phổ biến. Việc “chụp ảnh tự sướng” đăng lên trang cá nhân giờ đã trở thành nhu cầu “thiết yếu” của nhiều người, vì vậy, từ “selfie” trở nên thịnh hành là rất dễ hiểu, nó phản ánh chính xác một thị hiếu, một xu hướng mới trong đời sống xã hội hiện đại.

Một fan hâm mộ người Hàn Quốc chụp ảnh “selfie” bằng điện thoại thông minh với tài tử điện ảnh Brad Pitt khi nam diễn viên tới thăm đất nước này để quảng bá cho bộ phim “World War Z” trong mùa hè năm nay.
Một fan hâm mộ người Hàn Quốc chụp ảnh “selfie” bằng điện thoại thông minh với tài tử điện ảnh Brad Pitt khi nam diễn viên tới thăm đất nước này để quảng bá cho bộ phim “World War Z” trong mùa hè năm nay.

Từ “selfie” được tạo thành bởi từ “self” (bản thân) và hậu tố “ie”. Tiếng Anh - Úc thường hay thêm hậu tố “ie” vào các từ tiếng Anh - Anh hoặc Anh - Mỹ, cộng thêm câu chuyện về người đàn ông Úc say rượu ở trên, người ta tin rằng chính dân Úc đã sản sinh ra từ “selfie”.

Hiện tượng “selfie” đã thu hút cả sự quan tâm của các nhà tâm lý học. Theo đó, họ lý giải rằng con người vốn luôn coi bản thân là trung tâm. Trong tiềm thức mỗi người, họ luôn tự theo dõi mình, luôn băn khoăn trước hình ảnh của mình trong mắt người khác.

Nét tâm lý này có thể thấy rõ nhất khi bạn chụp một bức hình tập thể, hình ảnh mà bạn dừng lại ngắm nhìn lâu nhất trong cả bức hình chính là bản thân bạn. Bạn nhìn xem mình có nhắm mắt không, có ăn hình không, có gì bị lố không…

Hiện tượng tâm lý thú vị này đã được phản ánh rõ nét qua hiện tượng ngôn ngữ “selfie”. Xưa kia, chỉ những nhân vật quyền quý mới có đủ tiền để thuê họa sĩ về thực hiện những bức tranh chân dung.

Giờ đây, chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể tự tạo ra vô số “ảnh tự sướng”. Từ một khái niệm ban đầu chỉ bó hẹp trong lĩnh vực hội họa, giờ đây, chụp ảnh chân dung đã trở thành một thú vui phổ biến trong cuộc sống đời thường.

Giáo hoàng Francis chụp hình cùng các thanh niên trẻ người Ý trong thánh đường Thánh Peter ở Vatican.
Giáo hoàng Francis chụp hình cùng các thanh niên trẻ người Ý trong thánh đường Thánh Peter ở Vatican.

Những bức ảnh “tự sướng” hôm nay còn thể hiện nhu cầu kết nối, giao lưu và quảng bá hình ảnh cá nhân. “Tôi ở đây… Trông như thế này… Tại thời điểm này…” đã trở thành thông điệp phổ biến nhất mà chúng ta gửi đi bằng hình ảnh trên mạng xã hội.

Nó thể hiện sự tự tin dám khẳng định bản thân trong cộng đồng. Giờ đây, cái Tôi được tôn trọng và phát huy hơn bao giờ hết.

Đăng ảnh “tự sướng” và tôi sẽ biết bạn là ai. “Selfie” và bạn sẽ khẳng định được mình trong cộng đồng mạng. Đó là lý do tại sao ở thời đại công nghệ số, có không ít nhân vật nổi tiếng bước ra từ mạng xã hội.

Hãy cùng “selfie”
Hãy cùng “selfie”

Cuối cùng, để nói về “selfie”, để có thể “tự sướng” một cách hoàn hảo, hãy nhớ bí quyết: Đừng nhìn vào hình ảnh của mình trong màn hình, hãy nhìn vào ống kính, như vậy, ánh mắt của bạn sẽ nhìn thẳng vào người xem và thu hút được nhiều lượt “like” hơn trên mạng xã hội (!).

Theo Dân trí / Washington Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ