Hà Nội: Trường CLC gây tranh cãi đã có tiêu chí

Hà Nội: Trường CLC gây tranh cãi đã có tiêu chí

(GD&TĐ) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao (CLC), áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC.

Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội)
Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), một trong những trường thí điểm mô hình GD CLC

Theo đó, Hà Nội chỉ phát triển trường CLC ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập. Những trường này phải được kiểm định theo quy định và được UBND Thành phố quyết định công nhận, đồng thời được công bố công khai, rộng rãi. Việc theo học tại các trường CLC theo nguyên tắc tự nguyện.

Đối với trường mầm non CLC, nhất thiết phải đáp ứng điều kiện về số trẻ, giáo viên trên lớp. Cụ thể, là 20 trẻ (với nhóm trẻ 13 - 24 tháng tuổi), 25 trẻ (nhóm trẻ 25 -36 tháng tuổi và lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi); 30 trẻ (mẫu giáo 4 - 5 tuổi) và 35 trẻ (mẫu giáo 5 - 6 tuổi). Mỗi nhóm/lớp từ 3 đến 4 giáo viên.

Trường cũng phải có khu vui chơi thiên nhiên, sân chơi giao thông cho trẻ hoạt động; các phòng chức năng có đầy đủ các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Có ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ đào tạo chuyên ngành trên chuẩn và có chứng chỉ tiếng Anh đạt trình độ A, 10% trở lên có trình độ B. Đặc biệt, phải có giáo viên chuyên biệt dạy các hoạt động: Tạo hình, âm nhạc, thể chất.... Nhà trường áp dụng phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục tiên tiến, hiện đại. Tổ chức các hoạt động tạo hình, âm nhạc, thể chất trong các phòng chức năng do giáo viên chuyên biệt hướng đẫn. Tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên và các hoạt động trải nghiệm thực tiễn...

Với trường tiểu học CLC, tiêu chí đáng chú ý là có đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hỗ trợ chuyên môn; hàng năm giáo viên được tổ chức tham gia giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm giáo dục ở trong hoặc ngoài nước. Có chương trình dạy tăng cường tiếng Anh nghe, nói với người nước ngoài và tổ chức lớp song ngữ môn Toán và môn khoa học cho học sinh lóp 4, 5. Có các dịch vụ chăm sóc bán trú, có dịch vụ đưa đón, trông giữ đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh...

Với trường trung học CLC phải có đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hỗ trợ chuyên môn các nội dung về chương trình nâng cao cần thiết; có giáo viên dạy được song ngữ một số môn khoa học cơ bản. Có bổ sung chương trình dạy học tiếp cận năng lực phù hợp với khả năng phát triển của học sinh các bộ môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa để học sinh lựa chọn. Bổ sung chương trình dạy tiếng Anh nghe, nói với người nước ngoài. Có tổ chức lớp song ngữ một số môn khoa học cơ bản. Trong năm học có thực hiện chương trình giao lưu học sinh với các trường trong và ngoài nước. Tổ chức đưa đón học sinh và có bán trú cho học sinh với các điều kiện sinh hoạt hiện đại, khoa học. Học sinh được tiếp cận với thực tế và học tập theo chuyên đề, làm quen với phòng thí nghiêm thực hành.

UBND Thành phổ ủy quyền Sở GD&ĐT thành lập Hội đồng kiểm định độc lập để đánh giá, đề xuất công nhận trường CLC. Chu kỳ đánh giá, đề xuất công nhận trường mầm non và tiểu học CLC là 5 năm; trường trung học 4 năm. Giữa các chu kì đánh giá, cơ quan quản lí giáo dục có thể tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất, nếu trường có vi phạm các tiêu chí thì có thể đề nghị UBND Thành phố thu hồi quyết định công nhận trường CLC.

Lập Phương

TIN LIÊN QUAN
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ