Chuyện đánh lạc hướng dư luận của tiến sỹ bị hủy bỏ học vị

Chuyện đánh lạc hướng dư luận của tiến sỹ bị hủy bỏ học vị
Bìa hai luận án TS của ông Hoàng Thanh Quế và ông Mai Thanh Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia
Bìa hai luận án TS của ông Hoàng Xuân Quế và ông Mai Thanh Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia

LTS: Dư luận xã hội hiện đang rất quan tâm đến vụ việc ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - bị tước bằng tiến sỹ do đạo văn trong luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003.

Liên quan đến sự việc có rất nhiều bài viết trên các cơ quan báo chí với góc nhìn nhiều chiều. Để rộng đường dư luận, GD&TĐ xin trích đăng một số phân tích, điều tra… của các bạn đồng nghiệp xung quanh vụ việc này.

Sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố Kết luận tố cáo và quyết định “hủy bỏ học vị Tiến sỹ”, ông Hoàng Xuân Quế và một số cá nhân có liên quan đã cố tình dùng chiêu bài “một nửa sự thật” quen thuộc đã làm mất ổn định Nhà trường trong gần 2 năm qua. Đó là đưa ra các thông tin một chiều, không có căn cứ pháp lý với mục đích lung lạc và định hướng sai dư luận. Tuy vậy, “một nửa chiếc bánh mỳ là bánh mỳ, còn một nửa sự thật về vụ việc của ông Hoàng Xuân Quế không bao giờ là sự thật”!

Ông Hoàng Xuân Quế và một số thành viên bênh vực cho rằng, bản Luận án lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam không có chữ ký của ông Quế và không có các tài liệu kèm theo thì không được xem là căn cứ để xử lý. Mặt khác, ông Hoàng Xuân Quế và một số cá nhân nói Bộ đã “bỏ qua một số bằng chứng cũng như phớt lờ ý kiến của một số nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong Hội đồng chấm luận án”. 

Song thực tế bằng rất nhiều chiêu trò “lôi kéo” của ông Quế, cũng chỉ có 3/7 thành viên trong Hội đồng, 1/2 số giáo viên hướng dẫn và 1/2 số người phản biện độc lập có ý kiến về Kết luận và Quyết định của Bộ GD&ĐT, trong khi một số thành viên khác không có ý kiến hoặc chỉ xác nhận về quy trình bảo vệ. 

Trên thực tế trước khi công bố kết luận chính thức, Bộ GD&ĐT đã thông báo với ông Quế và đại diện của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bản dự thảo kết luận được soạn thảo một cách rất chặt chẽ dựa trên các bằng chứng và cơ sở pháp lý đầy đủ cũng như đã nghiên cứu rất kỹ các biên bản làm việc của A83, kết quả thẩm định các bản luận án “chính thức” do ông Quế nộp ngày 10/7/2013 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, ý kiến xác nhận bằng văn bản của các thành viên Hội đồng, của giáo viên hướng dẫn và người phản biện độc lập.

Tại thời điểm năm 2003, Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD&ĐT không quy định bắt buộc phải có lời cam đoan và nếu có lời cam đoan cũng không quy định bắt buộc ký. Lời cam đoan có ý nghĩa là cam đoan danh dự về công trình nghiên cứu. 

Ngoài ra, theo quy định tại thời điểm năm 2003, luận án nộp tại các Thư viện không quy định phải nộp kèm theo như ông Quế đã “kêu oan”. 

Việc ông Quế cho rằng có thể nộp nhầm luận án là lý do hết sức “ngây thơ” vì theo Kết luận tố cáo của Bộ, các bản luận án lưu tại các Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD có nội dung hoàn toàn trùng khớp với bản Luận án ông Quế đã nộp Bộ để làm thủ tục bảo vệ luận án lưu tại Thư viện Tổng hợp TPHCM. 

Đồng thời, cần lưu ý rằng, bản luận án có thể được coi là “nộp nhầm” khi còn để lại những khiếm khuyết về hình thức như lỗi chính tả, đóng ngược trang... hay những chỗ chưa sửa chữa theo ý kiến của Hội đồng, tuyệt đối không phải là bản luận án có nội dung sao chép của người khác. 

Hơn thế, chính từ luận án tiến sỹ đạo của người khác, năm 2004, tức là 1 năm sau thời gian bảo vệ, ông Hoàng Xuân Quế còn xuất bản thành sách chuyên khảo Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay (Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004, Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục Xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004) để được phong học hàm Phó Giáo sư. 

Vi phạm pháp luật về tố cáo

Việc ông Hoàng Xuân Quế và một số cá nhân bênh vực cho sai phạm của ông Quế phản ánh thông tin về danh tính người tố cáo là GS.TS Nguyễn Văn Nam, PGS.TS Trần Đăng Khâm, TS Đặng Ngọc Đức… là các thông tin chưa có kiểm chứng. 

Việc đưa tin về danh tính người tố cáo đã vi phạm Điều 36 của Luật Tố cáo, Điều 13 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo. 

Theo xác minh của phóng viên, liên quan đến vụ việc này, trên cơ sở một số cá nhân hiểu rất rõ về ông Hoàng Xuân Quế cũng như hiểu rất rõ về quá trình viết và bảo vệ luận án tiến sỹ của ông đã gửi chứng cứ, tài liệu đến Viện Ngân hàng – Tài chính nên có rất nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Giảng viên đã kiến nghị Bộ xử lý sai phạm nghiêm trọng ảnh hướng đến ngành Giáo dục của ông Hoàng Xuân Quế. Thậm chí, có cả đại biểu Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến đề nghị Bộ giải quyết theo quy định của pháp luật…

Đồng thời, Tổ xác minh và Cơ quan An ninh, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) cũng đã có kết luận mấy cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế “xin lại” từ các thành viên hội đồng để nộp lại cho Bộ ngày 10/7/2013 sau khi bị phát giác đạo văn để chứng minh đó là các cuốn “chính thức” là không khách quan, hơn 50 trang sao chép y nguyên từ Luận án của TS Mai Thanh Quế đã được ông Hoàng Xuân Quế thay thế. 

Kết luận chi tiết của cơ quan giám định còn chỉ ra 3 cuốn luận án đã được ông gỡ ghim, đóng lại đến 76 lần. Như vậy, hành vi giả mạo, hồ sơ, tài liệu này của ông Hoàng Xuân Quế và các cá nhân liên quan, phải bị xử lý theo quy định tại Điều 267 của Bộ Luật hình sự.

Bức xúc trước những thông tin phản ánh chưa toàn diện và đầy đủ, có dấu hiệu bị cắt xén để gây hiểu lầm và định hướng sai dư luận về quan điểm, ý kiến của Thư viện Quốc gia Việt Nam đối với vụ việc liên quan đến ông Hoàng Xuân Quế, ngày 17/10/2013, Giám đốc và Trưởng phòng Lưu chiểu Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đồng ý trả lời phỏng vấn để xác nhận chính thức các thông tin chính thống của Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Sau khi có kết luận tố cáo, một số cá nhân cố tình bênh vực Hoàng Xuân Quế cho rằng cách làm của Bộ là “bất thường”, “thiếu khách quan”, “phủ nhận quy trình bảo vệ chặt chẽ luận án do Bộ ban hành”; đồng thời đề nghị Bộ phải tham vấn ý kiến của các thành viên Hội đồng chấm Luận án của ông Quế cách đây 10 năm và làm việc với tập thể giáo viên hướng dẫn trước khi Bộ ban hành kết luận. Đây là những ý kiến không đúng vì quá trình xử lý của Quế đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Dư luận phản ánh, sau khi sự việc bị phát giác, ông Quế đã dùng mọi cách để nhờ các thành viên khác như GS.TS Cao Cự Bội, PGS.TS Nguyễn Thị Bất, GS.TS Nguyễn Văn Nam… ký xác nhận như đã làm với các thành viên hội đồng khác nhưng bất thành vì các nhà khoa học này không thể đánh mất mình, không thể bao che cho sai phạm của ông Quế.

Sau khi thấy khó có thể biện minh cho hành vi đạo văn, ông Hoàng Xuân Quế lại quay sang việc cho rằng “thu hồi bằng là sai quy định vì đã hết thời hiệu xử lý do ông ta đã vi phạm cách đây 10 năm”. 

Điều này thật nực cười vì Bộ thực hiện hủy bỏ học vị Tiến sỹ của ông Quế là căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 12 của Quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/12/2002 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo quy định này không có thời hiệu cho việc thu bằng, nếu sau 10 năm hay hàng chục năm một cá nhân bị phát hiện đạo văn như ông Quế vẫn sẽ bị thu bằng.

TÓM TẮT SỰ VIỆC

Ông Hoàng Xuân Quế
Ông Hoàng Xuân Quế

Xác minh đơn tố cáo 

Bộ GD&ĐT nhận được từ Báo Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, Ủy ban VHGDTNTN và NĐ của Quốc hội đơn tố cáo ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), tác giả Luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003với đề tài "Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam" đã "đạo văn" tới 30% dung lượng Luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng) với đề tài Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường. 

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của mình, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thụ lý, xác minh, giải quyết tố cáo theo quy trình quy định của Luật Tố cáo. 

Kết quả xác minh cho thấy: Nội dung tố cáo ông Hoàng Xuân Quế sao chép Luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế là đúng. 

Cụ thể: Luận án của ông Hoàng Xuân Quế có 52,5/159 trang (trong đó Chương 3 có 29/44 trang) được sao chép. 

Kết luận nội dung tố cáo

Hành vi sao chép Luận án của ông Hoàng Xuân Quế vi phạm qui định tại Khoản 2 Điều 20 và Khoản 7 Điều 41của Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 08/6/2000; Điểm a Khoản 3 Điều 12 của Quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/12/2002 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. 

Ngày 4/10/2013, Bộ GD&ĐT ban hành Kết luận nội dung tố cáo (Kết luận số 1254//KL-BGDĐT). 

Ngày 11/10/2013, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT về việc thu hồi bằng tiến sỹ ngành Kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế. 

Ngày 30/10/2013, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã ban hành Quyết định số 144/QĐ-HĐCDGSNN về việc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư ngành Kinh tế và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư của ông Hoàng Xuân Quế.

 Khiếu nại và tố tụng

Ngày 15/10/2013, Bộ GD&ĐT nhận được văn bản khiếu nại của ông Hoàng Xuân Quế đề ngày 9/10/2013 khiếu nại về Kết luận nội dung tố cáo số 1254//KL-BGDĐT. Được biết, Bộ GD&ĐT đang giải quyết khiếu nại theo quy định.

Ngày 31/10/2013, Bộ GD&ĐT nhận được Thông báo thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm số 764/TBTL-HC của TAND thành phố Hà Nội, đồng thời nhận được Quyết định số 01/2013/QĐST-HC ngày 31/10/2013 về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với hình thức tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT. 

Nhận thấy Quyết định số 01/2013/QĐST-HC có dấu hiệu không khách quan, Bộ GD&ĐT đã có văn bản khiếu nại và ngày 1/11/2013, TAND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 2831/2013/QĐ-GQKN. Theo đó, Tòa án đã hủy Quyết định số 01/2013/QĐST-HC. 

Hiện Bộ GD&ĐT đang tham gia tố tụng tại Tòa án Hành chính - TAND thành phố Hà Nội - theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. 

 Theo báo Thanh tra

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ