Miền Trung quyết liệt phòng chống bão

Miền Trung quyết liệt phòng chống bão

(GD&TĐ) - Xác định bão số 11 có cường độ mạnh, gây nguy hiểm, các địa phương từ Quảng Trị tới Quảng Ngãi đã tập trung mọi phương án chủ động phòng chống bão. 19.00 tối nay (14/10), công tác di dời dân, huy động tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu trợ đã hoàn tất.

S
 Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương lên phương án phòng chống bão.

Đà Nẵng được xác định là nơi cơn bão đổ bộ vào mạnh nhất với sức gió cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14, tới chiều tối hôm nay (14/10) bão, mưa mỗi lúc một mạnh lên và mực nước sông Hàn cũng dâng cao.

Nhận thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ về sức tàn phá của bão số 11, TP Đà Nẵng đã tập trung mọi lực lượng chủ động phòng chống, đối phó với mọi tình huống xảy ra. Công tác di dời dân được khẩn trương triển khai.

Tính đến 19.00 tối 14/10, Đà Nẵng đã hoàn tất việc di dời 5.500 hộ dân, ưu tiên người già, trẻ em, người dân đang sinh sống ở vùng xung yếu về nơi cư trú an toàn. Hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp, trường học đã được tập trung chằng chống để bảo vệ tài sản. Hàng ngàn tàu thuyền ngoài khơi đã được neo đậu vào bờ.

Ngành y tế cũng đã chuẩn bị các trang thiết bị để ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. UBND TP đã chỉ đạo các ngành chức năng dự trữ lương thực để cứu trợ.

D
Tại Đà Nẵng, các tàu cá của ngư dân đã được neo đậu an toàn.

Thừa Thiên Huế: Được xác định là địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão số 11, từ trưa 13/10, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt phòng chống bão với quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Tất cả các tàu thuyền kể cả 18 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh bạn cũng đã được neo đậu vào bờ an toàn.

Để chủ động phòng chống những tình huống xấu xảy ra, Bộ đội biên phòng đã huy động 2 tàu cao tốc sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên vùng đầm phá, trên biển. Lực lượng bộ đội biên phòng cũng đã điều động 600 chiến sĩ đến các địa bàn xung yếu giúp dân chằng chống nhà cửa. 

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Phòng chống bão lụt Thừa Thiên - Huế, tới 19.00 ngày 14/10, gần 2.000 tàu thuyền đã được huy động trú ẩn vào bờ, di dời được 3.500 hộ dân ở những vùng xung yếu, sạt lở đến nơi cao ráo, an toàn.   

Quảng Nam: Hiện tỉnh đã sơ tán được hơn 7.300 hộ dân tới nơi an toàn. Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) - cho biết: Địa phương đã hỗ trợ cho các xã mua xăng dầu, nhu yếu phẩm để người dân chủ động phòng tránh bão. Huyện đã tăng cường hỗ trợ các phương tiện áo phao, đèn dầu để phục vục cho công tác phòng chống lụt bão. Phân công các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão  xuống các cơ sở đứng cắm.

Về kinh phí hỗ trợ mỗi địa phương 5 triệu để chi phí trước mắt. Ban quản lý sông Tranh phối hợp với huyện công trình xả lũ có thông báo trước cho địa phương ít nhất 2 tiếng đồng hồ để thông báo cho các xã và cho bà con nhân dân biết trước phòng tránh vấn đề xả lũ của các thủy điện.

Quảng Ngãi: Từ trưa 14/10, tại huyện đảo Lý Sơn, trời đã mưa rất to, gió giật mạnh, biển động dữ dội đã làm tốc mái 2 nhà dân, làm ngã đổ hàng trăm cây xanh, gần 200 héc ta hành của người dân bị ngập úng, nguy cơ mất trắng.

Hiện huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các xã sơ tán khẩn cấp người dân vùng nguy cơ sạt lở và triều cường xâm thực. Các địa phương khác của Quảng Ngãi cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị phòng chống bão số 11.

Quảng Trị: Đến 19.00 14/10, đã hoàn tất việc di dời 2.000 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Hồ Thanh Hải - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị - cho biết: “Các đoàn đang tiến hành di dời dưới địa phương, tối nay di dời các hộ nằm trong khu vực nguy hiểm. Đồng thời chỉ đạo kiểm tra một số hồ chứa có nguy cơ.

Rút kinh nghiệm bão số 10, bà con đã chằng chống nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm cho một tuần, dự kiến sau trận bão này sẽ có trận lũ lớn.

                                                   Uyên Uyên - Thanh Huế

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ