Dậy sóng biển Hoa Đông

Dậy sóng biển Hoa Đông

 (GD&TĐ) - Ngày 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thiết lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Ngay lập tức, tuyên bố của Trung Quốc gặp phải sự phản đối gay gắt của Nhật và các đồng minh, đặc biệt là Mỹ. Bắc Kinh khuyên Washington không nên “chõ mũi” vào câu chuyện tranh chấp lãnh thổ của họ với Nhật Bản. Biển Hoa Đông lại dậy sóng.

Lý do Bắc Kinh phải thiết lập ADIZ

Ngày 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ của họ trên biển Hoa Đông. Để thể hiện nguyên tắc “nói đi đôi với làm”, cùng ngày Trung Quốc phái máy bay do thám và các máy bay chiến đấu thực hiện cuộc tuần tra đầu tiên trên vùng ADIZ mới. Về giới hạn, ADIZ của Trung Quốc trùm lên cả đảo Senkaku mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đồng thời chồng lấn  một phần lên ADIZ của Hàn Quốc, Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố máy bay qua ADIZ này sẽ phải tự khai báo nhận dạng với họ và nếu vi phạm sẽ bị bắn hạ.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Yang Yajun cho rằng, điểm cực đông của ADIZ mới này rất gần Trung Quốc, chính vì vậy, máy bay chiến đấu có thể nhanh chóng tiến vào không phận của Trung Quốc từ điểm này. Ông Yang Yajun khẳng định rằng đây là việc làm cần thiết để “có đủ thời gian ra cảnh báo sớm cho các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh không phận của Trung Quốc”.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - nút thắt trong quan hệ Trung - Nhật
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - nút thắt trong quan hệ Trung - Nhật

Nhật, Mỹ nói gì?

Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, các nhà lãnh đạo Nhật, Mỹ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Tokyo, tất nhiên phủ nhận ADIZ mới của Trung Quốc và coi đó là hành động “không thể chấp nhận được”.

Ngay trong ngày, Bộ Ngoại giao Nhật ra tuyên bố: Việc thiết lập ADIZ đơn phương như vậy chỉ làm căng thẳng thêm tình hình ở Senkaku và có nguy cơ dẫn đến những tình huống “ngoài dự đoán”.

Tokyo “hoàn toàn không đồng ý” với việc các quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản coi là “một phần lãnh thổ” của mình lại thuộc vùng ADIZ của  Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp đề nghị không quân của nước này tăng cường cảnh giác “lên gấp đôi” để sẵn sàng đáp trả.

Ngày 25/11, phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe nói: “Tôi rất lo ngại vì đây là hành động hết sức nguy hiểm, có khả năng gây ra những hậu quả khôn lường”. 

Phản đối của Nhật được đồng minh Mỹ hoàn toàn chia sẻ. Washington cảnh báo rằng đây là bước đi có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng trong vùng biển vốn được coi là không bình yên này.

“Đây là quyết định đơn phương, một nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông. Nó góp phần vào sự leo thang, làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực”- Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc nên thận trọng và kiềm chế, nên khẩn cấp tổ chức hiệp thương với Nhật Bản và các bên liên quan khác trong khu vực”- John Kerry bổ sung. Trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh giữa các đồng minh, hàng ngàn binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gọi hành động của Trung Quốc là làm mất ổn định trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định rằng tuyên bố của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực.

Trong tuần này, quân đội Mỹ và Nhật Bản cần phải tiến hành tập trận chung tại bờ biển Okinawa, cách vùng đảo tranh chấp vài trăm cây số - Chuck Hagel tuyên bố.

Bắc Kinh lên tiếng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang cho rằng ADIZ trên biển Hoa Đông chỉ là để bảo vệ chủ quyền và an ninh vùng trời, vùng biển của Trung Quốc chứ không không làm ảnh hưởng đến tự do hàng không và quan trọng hơn là “không nhằm vào bất cứ nước nào”.

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc cho rằng sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản là “đạo đức giả” và “không biết xấu hổ”. “Tất cả đều biết rằng Nhật Bản đã thiết lập vùng ADIZ ở khắp nơi, từ vùng phía bắc, với Nga dài 50 km, còn ở biển Hoa Đông cũng chỉ cách Trung Quốc đại lục có 130 km.

Thiết lập vùng phòng thủ không quân của Trung Quốc là động thái hoàn toàn hợp lý và đúng với luật pháp”- Tờ Hoàn Cầu nhấn mạnh. Hoàn Cầu cho rằng, Nhật Bản luôn làm ầm ĩ các cuộc xung đột bằng những tuyên bố cứng rắn và “nóng”. Bắc Kinh cũng cảnh báo Washington không nên “chõ mũi” vào tranh chấp lãnh thổ giữa họ với Nhật Bản.

Có thể khẳng định, cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku (theo cách gọi của người Nhật)/ Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc là nút thắt trong quan hệ giữa hai bên. Đây là cuộc xung đột căng thẳng khi cả hai bên đều muốn bảo vệ chủ quyền tại hòn đảo này.

Các nhà phân tích cho rằng, việc thiết lập ADIZ của Trung Quốc là một bước tiến mới trong ý đồ thu phục toàn bộ vùng đảo giàu tài nguyên về tay họ. Và với tuyên bố quyết tâm bảo vệ đồng minh Nhật Bản của Mỹ, cuộc tranh chấp sẽ căng thẳng hơn, khốc liệt hơn ở phía trước.                                                      

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ