Dùng Internet càng nhiều, học càng kém

Dùng Internet càng nhiều, học càng kém
(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)
“Sinh viên học giỏi, xuất sắc truy cập Internet bình quân 17,6 giờ/tuần. Trong khi đó, sinh viên yếu kém dùng Internet bình quân đến 31,9 giờ/tuần”.
ThS Trần Minh Trí, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, dẫn kết quả nghiên cứu của mình tại hội thảo “Nghiện Internet: Những thách thức mới của xã hội hiện đại” tổ chức ngày 23/11.
Hội thảo do bộ môn tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai tổ chức để các nhà tâm lý học, bác sĩ, sinh viên cùng mổ xẻ thực trạng nghiện Internet trong giới trẻ.
Nhiều tác động tiêu cực
Thừa nhận mình không phải “dân” tâm lý, thạc sĩ Trần Minh Trí cũng nghiên cứu và đưa kết quả đến hội thảo vì “chúng tôi làm việc trực tiếp với sinh viên, đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn của Internet”. Nghiên cứu của ông Trí có 989 sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trả lời thông qua công cụ Google Drive.
"Do tất bật trong cơm áo gạo tiền nên phụ huynh thiếu quan tâm đến con. Chỉ cần các em ngồi im, đừng quậy phá là yên tâm rồi.Nhiều học sinh nghiện Internet cũng vì vậy"
ThS Huỳnh Thị Kim Tuyền

“99% sinh viên cho rằng Internet là cần thiết - ông Trí nói - Trong đó, 75% sinh viên truy cập Internet hằng ngày. Sinh viên nam dùng nhiều hơn sinh viên nữ. Sinh viên càng về năm cuối thì mức độ truy cập càng nhiều”.

Ngoài những tác động tích cực của Internet như cung cấp tin tức cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, tìm tài liệu tham khảo cho việc học, sinh viên cũng thừa nhận Internet có nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ.

“Có đến 62,65% sinh viên cho rằng Internet chiếm mất thời gian để làm việc khác. Nhiều bạn cho rằng mình bị mệt mỏi, kết quả học tập giảm sút, mâu thuẫn với bạn bè, bỏ học vì thức quá khuya. Thậm chí có bạn còn cho rằng mình bị lừa tình, bạo lực hay có hành vi quan hệ với gái mại dâm... thông qua Internet” - ông Trí dẫn chứng.

Đáng chú ý nhất trong kết quả nghiên cứu gần 20 trang của ông Trí là tác động của Internet đến kết quả học tập của sinh viên. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sinh viên truy cập Internet càng nhiều, kết quả học tập càng kém - ông Trí nhận định - Cụ thể, sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc có số giờ truy cập bình quân 17,6 giờ/tuần. Trong khi những sinh viên học yếu, kém có số giờ truy cập Internet bình quân đến 31,9 giờ/tuần”.
Để củng cố cho nhận định này, ông Trí đưa thêm dẫn chứng: “Rất ít sinh viên khá giỏi truy cập Internet quá nhiều trên 4 giờ/ngày (chỉ 9,1%). Trong khi đó có đến 50% sinh viên yếu kém truy cập hơn 4 giờ/ngày”.
Độ tuổi chịu ảnh hưởng Internet ngày càng nhỏ
Một vấn đề lo ngại khác được nêu ra tại hội thảo cho thấy độ tuổi chịu ảnh hưởng tiêu cực của Internet ngày càng nhỏ, kể cả học sinh tiểu học, mầm non. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Phương đã nghiên cứu trên 85 học sinh một trường THCS, THPT ở Hà Nội. Kết quả cho thấy 94,1% học sinh sử dụng thường xuyên Internet để chơi game online, chat, nghe nhạc, xem phim rồi mới đến học tập.
Để làm rõ hơn, thạc sĩ Hương tập trung sâu vào khía cạnh ảnh hưởng của Internet, game online đến học tập môn mỹ thuật của học sinh THCS. Qua đó, khi được yêu cầu “Hãy vẽ bản thân em trong thế giới mà em yêu thích”, nhiều hình vẽ xuất hiện ý tưởng từ các mạng xã hội, “đại chiến” giữa hai nhân vật từ game. Còn khi yêu cầu vẽ bản thân mình, có em vẽ bức tranh khuôn mặt không hoàn chỉnh. Nổi bật lên là hình ảnh đôi mắt to với những đường gân máu nổi lên, thể hiện sự giận dữ, vẻ mặt đáng sợ của những nhân vật xuất hiện trong game online. “Điều đó phản ánh sự lệ thuộc của các em vào những hình ảnh được các em tri giác, nhập vai trước đó” - thạc sĩ Nguyễn Thị Phương nhận định.
Đến từ Bến Tre, thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyền cho rằng vấn đề nghiện Internet “lứa tuổi ngày càng nhỏ kể cả học sinh tiểu học, mầm mon”. “Gặp gỡ, trò chuyện với học sinh tiểu học ở TP Bến Tre và một số huyện lân cận, tôi thấy Internet giúp các em tư duy nhanh, nhạy bén hơn. Tuy nhiên, nhiều em đam mê quá dẫn đến lơi lỏng việc học, và chơi những trò chơi không đúng lứa tuổi hồn nhiên các em. Chẳng hạn tôi thấy nhiều em học sinh tiểu học chơi trò kết hôn trai gái ở trên mạng rất nhiều” - bà Tuyền chia sẻ.
Đề cập nguyên nhân, bà Tuyền cho rằng hiện nhiều gia đình có điều kiện, học sinh có thể vào mạng ngay trong phòng ngủ của mình và bố mẹ thì quá bận rộn, không có thời gian quan tâm con cái. Trong khi đó, trò chơi trên mạng rất nhiều, ngày càng thu hút học sinh như tặng điểm, khuyến mãi để dụ dỗ học sinh.
“Phần lớn phụ huynh nổi nóng khi thấy con cái chơi game nhiều, không nghe lời. Tôi nghĩ bố mẹ cần nhẫn nhịn, không cáu gắt và hướng các em vào những điều tích cực hơn. Cần phân tích cho con biết thế nào là thực, là ảo và chơi những trò chơi có chọn lọc. Bên cạnh đó, cần tạo sự gắn kết với gia đình như để trẻ tự làm những công việc nhỏ như sắp xếp quần áo, sách vở. Cần phát huy điểm mạnh khi sử dụng Internet chứ không chỉ biết chơi những trò chơi vô bổ...”. - bà Tuyền đưa ra ý kiến.
Biểu hiện tâm lý của người nghiện Internet
Th.S tâm lý Lê Minh Công dẫn ra một số biểu hiện của thanh niên nghiện Internet như mất kiểm soát thời gian; gây nên những khó khăn trong các mối quan hệ thực tế của cuộc sống; có những biểu hiện lo âu, chán nản, cáu gắt; bước đầu ghi nhận có hội chứng cai như lo sợ, cáu kỉnh, kêu la, bực tức...khi bị cắt giảm thời lượng sử dụng Internet; tăng dần thời gian sử dụng Internet; thất bại trong việc cắt hoặc giảm sử dụng Internet và truy cập Internet để trốn tránh các vấn đề khó khăn của cuộc sống...
Theo Hà Bình - Đức Thiện
Tuổi Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ