Việt Nam có sự tiến bộ về khả năng Anh ngữ

Việt Nam có sự tiến bộ về khả năng Anh ngữ

(GD&TĐ) - Tổ chức EF (Education First) vừa công bố phiên bản thứ 3 về “Chỉ số đánh giá Anh ngữ” (EF EPI) của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bảng đánh giá khả năng tiếng Anh này được xem là toàn diện nhất hiện nay.

Ngoài ra, bảng đánh giá EF EPI còn bao gồm cả việc phân tích xu hướng phát triển sau 6 năm đầu tư cho việc học Anh ngữ và điểm mới của bảng đánh giá EF EPI là chỉ ra mối liên hệ giữa việc thông thạo tiếng Anh của lực lượng lao động và sự phát triển kinh tế của đất nước đó.

TS Christopher McCormick - Trưởng phòng Học thuật và Mạng lưới nghiên cứu Đại học – cho biết: “So sánh các quốc gia này với các nước láng giềng, đối tác thương mại và các nghiên cứu khác về các vấn đề ưu tiên quốc gia cũng như các chính sách giáo dục toàn cầu, chúng tôi tin rằng bằng cách xây dựng một chương trình đối thoại quốc gia về tiếng Anh, các bên liên quan có thể xây dựng các mục tiêu, cải thiện các chế độ đãi ngộ, và tập trung vào giảng dạy tiếng Anh giao tiếp. Tác động kinh tế của một chương trình phối hợp như vậy là rất rõ ràng.”

Bảng xếp hạng khả năng Anh ngữ này được dựa trên bài kiểm tra dành cho 75.000 người ở lứa tuổi trưởng thành tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2012. Việc phân tích về phát triển khả năng Anh ngữ trong 6 năm (2007- 2013) đã sử dụng dữ liệu các bài kiểm tra tiếng Anh của hơn 5 triệu người.

Một số nước châu Á - đặc biệt là Indonesia và Việt Nam - đã có sự tiến bộ về khả năng Anh ngữ trong vòng 6 năm qua. Năm 2012, Việt Nam xếp hạng 31/54 và năm 2013 đã vươn lên xếp hạng 28/60. Nhật và Hàn Quốc không có sự thay đổi mặc dù có sự đầu tư mạnh mẽ của tư nhân. Các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc khả năng nói tiếng Anh tốt hơn.

Trong khi các nước châu Âu đã phát triển khả năng Anh ngữ hoặc đang tiến sát đến mục tiêu thì Pháp lại hoàn toàn đi theo một hướng khác. Bảy nước nói tiếng Anh tốt nhất châu Âu đều là các quốc gia nhỏ, do nhận thức mình là quốc gia nhỏ nên buộc họ phải áp dụng tầm nhìn quốc tế.

Các nước Trung Đông và Bắc Phi là khu vực sử dụng tiếng Anh kém nhất. Các quốc gia dầu mỏ này đã và đang đặt cược tương lai của họ với việc phát triển nền kinh tế phụ thuộc vào máy móc sản xuất, ít nhất là cho tới khi sản lượng dầu mỏ của họ đạt được mức tối đa. Trong khi đó, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất lại là một ngoại lệ, tiếng Anh của khu vực này đang ngày một phát triển vượt bậc trong khi toàn khu vực thì hoàn toàn mờ nhạt trên bảng xếp hạng.

Khả năng Anh ngữ kém đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các nước khu vực châu Mỹ Latinh. Hơn một nửa các nước trong khu vực nằm ở cuối bảng xếp hạng EF EPI. Riêng Brazil, Colombia, Peru và Chile đã có nhiều tiến bộ hơn, nhưng các quốc gia này vẫn thiếu một lượng lớn những người có thể nói tiếng Anh thành thạo đủ để làm việc ở nước ngoài. Một số quốc gia trong khu vực bao gồm Mexico và Guatemala nói tiếng Anh rất kém.

Để xem bảng xếp hạng đầy đủ năm 2013, truy cập trang web: www.ef.com/epi/

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ