Những đứa trẻ không có Trung thu

Những đứa trẻ không có Trung thu

(GD&TĐ) - Trái ngược với không khí ồn ào náo nhiệt khi Tết Trung thu đang đến, người dân nơi xóm thủy điện Đập Góc - Đầm Sam xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ lặng lẽ hỏi nhau xem đêm qua thả lưới được nhiều cá hay không. "Trung thu, ai chẳng muốn sắm cho con cái lồng đèn, mua cho chúng quà bánh phá cỗ. Nhưng gia đình tôi nghèo quá. Tiền mua gạo nhiều khi còn không có  chứ nói gì đến bánh Trung thu. Đi dọc đường, nhìn thấy những ông bố bà mẹ mua quà bánh cho con mà lòng tôi đau nhói", chị Thúy  một người dân ở xóm Đập Góc nói.

Ở nơi thiếu ánh trăng rằm

Thầy Hòa bên phòng học lớp ghép ở Đập Góc - Đầm Sam
Thầy Hòa bên phòng học lớp ghép ở Đập Góc - Đầm Sam 

Cứ mỗi lần về thăm xóm Đập Góc – Đầm Sam lòng tôi lại bâng khuâng một nỗi buồn khó tả, nhất là khi trở lại nơi đây đúng dịp Tết Trung thu. Dẫn tôi đi trên con đường quanh co được làm bằng bê tông vững chắc ven đầm Sam, thầy Trần Văn Hòa - người khai sinh ra lớp học miễn phí bên đầm vẫn không quên kể về hoàn cảnh khó khăn của những cháu học sinh ở đây. Tết Trung thu đến  rồi mà quang cảnh ở đây rất trầm lắng. Và thật sự ngỡ ngàng khi chúng tôi biết rằng chưa có em học sinh nào ở đây được bố mẹ tặng  bánh hay quà Trung thu.

Mùa Trung thu về đối với các em là chuyến ghe đêm phụ giúp bố mẹ ở trên đò bắt con cá, con tôm kịp phiên chợ sớm. “Điển hình” cho những hộ nghèo ở đây là cặp đôi vợ chồng anh Trần Văn Tuấn và Trần Thị Xoa với 7 người con. Lên định cư ở đây đã gần 20 năm rồi vậy mà khi tôi hỏi “Có bao giờ chị và anh tổ chức Trung thu cho các cháu không?” Chị Xoa chỉ biết lắc đầu nhìn tôi và lén lút cười gượng “Em đi làm cá trên đầm Sam cũng nghe mọi người nói Trung thu là ngày Tết của cháu nhỏ. Phận làm cha mẹ ai cũng muốn trong đêm trăng rằm tháng 8, những đứa con thân yêu do mình sinh ra được phá cỗ Trung thu, cùng bạn bè cùng trang lứa, rồi đi rước đèn ông sao, múa lân. Ngồi xem ti vi thấy mấy cháu nhỏ trên phố sướng qúa được bố mẹ quan tâm lo lắng mua lồng đèn này, lòng đèn nọ. Còn ở đây thỉnh thoảng đến mùa Trung thu, tại sân trước lớp học ghép ở khu tái định cư mới có một đoàn từ thiện xã hội về tổ chức Trung thu cho các cháu”.

Thấy tôi có vẻ bất ngờ khi tìm hiểu gia cảnh, anh Tuấn đang nằm ngủ trưa, bỗng ngồi dậy và bắt đầu kể lại câu chuyện của cuộc đời mình: “Ngó rứa chứ hai vợ chồng em cưới nhau như ri cũng đã gần 20 năm rồi, hồi nớ sống ở đò cực khổ, chừ về tái định cư được tổ chức từ thiện Comexseo (Hội tự thiện Pháp) hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà, nói thật đến chừ vẫn chưa trả hết nợ. Ở đây bà con ai cũng như tui cả. Ban ngày tranh thủ đi làm thuê, đêm về cả nhà kéo nhau xuống đò đánh bắt cá. Muốn đưa con vào trường chính để hòa nhập với các bạn học sinh trong trường nhưng làm không đủ cho mấy miệng ăn, chứ đừng nói dư tiền để tổ chức trung thu cho các cháu eng (anh) nà”. 

Ngày Tết Trung thu của em Trần Văn Bi học sinh lớp 5 tại phòng học ghép của thầy Hòa lại thảm thương hơn cả. Từ nhỏ em đã mất bố, mẹ thì đi thêm bước nữa nên Bi đành ở với bà ngoại Hồ Thị Giàu năm nay đã  68 tuổi. Sau mỗi giờ lên lớp học, ngày thường cũng như ngày Tết Trung thu, Bi lo đi lặn trìa, hàu để phụ giúp bà lo cơm ăn hàng ngày. Khi được hỏi ước mơ của em trong đêm Trung thu là gì? Bi trả lời “Con mong sao đêm Trung thu được có cái đầu lân đi múa với mấy đứa trong xóm, rứa là vui rồi chú ơi. Con có thấy người ta bán ngoài chợ nhiều bánh Trung thu đẹp lắm mà con thì chưa được ăn bao giờ. Mệ (bà) không mua cho con đâu, Mệ bảo phải bán cá để đổi tiền mua gạo”. Một đứa trẻ chen ngang. “Mấy năm trước có đoàn từ thiện đi cho xóm mấy cái bánh Trung thu, tụi nhỏ chia nhau ăn xong bảo chẳng no gì cả, ăn cơm no bụng hơn”.

Tấm lòng của thầy Hòa

Những đứa trẻ trên Đầm Sam
Những đứa trẻ trên Đầm Sam

Chưa từng tốt nghiệp ở bất kỳ trường đại học nào vậy mà suốt 24 năm cứ đến mỗi mùa khai giảng thầy Hòa lại lo chạy vạy khắp các “mối quen biết” để lo bàn ghế, sách vở duy trì lớp ghép miễn phí ở xóm thủy điện Đập Góc - Đầm Sam bởi thầy biết một điều: Nếu không duy trì lớp học thì những đứa trẻ vạn đò ở đây đến lúc ra đời cũng giống như bố mẹ nó đều mù chữ cả. Cứ năm này sang năm khác, những tiếng giảng bài của một giáo viên không chuyên đã chắp cánh ước mơ cho đám trẻ con nghèo. Đó là những con em của 50 hộ dân đang sinh sống tại xóm thủy điện này. 

Mỗi năm lớp học ghép từ lớp 1 đến lớp 4 của thầy có từ 25 đến 30 học sinh. Những học sinh đến với lớp thầy Hòa là con em của các hộ nghèo chuyên sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên đầm Sam của hai xã Phú An và Phú Mỹ. Nhận thấy sự vất vả và cống hiến của thầy Hòa đối với việc học của trẻ em địa phương, Trường  Tiểu học Phú Mỹ mới đây đã có chế độ trợ cấp cho thầy Hòa đồng thời cử thêm cô Võ Thị Nga ra dạy tăng cường cho các cháu.

Do thiếu tiền để đóng bảo hiểm, đồng phục học sinh cho nên một số bà con ở đây không thể cho con em mình vào học tại cơ sở chính là Trường Tiểu học Phú Mỹ. Có nhiều cháu bị tai nạn đáng tiếc xảy ra nhưng vẫn không có tiền phẫu thuật. Điển hình là em Trần Văn Sơn con của anh Trần Ngọ và chị Trần Thị Thúy. Khi đang học lớp 2 trong một phút bất cẩn, em té ngã từ nhà xuống sân thì dập thận đến nay thời gian cũng đã khá lâu mà gia đình vẫn không có tiền điều trị bệnh thận cho con. 

Còn chuyện tổ chức cho các em phá cỗ Trung thu ở đây gặp rất nhiều rất khó khăn. “Năm thì mười họa” mới có một đoàn công tác xã hội về vui hội trăng rằm cùng các cháu. Thầy Hòa tâm sự: “Tui dạy học miễn phí cho các cháu ở đây cũng 24 năm rồi. Từ lớp học ghép của mình đây đã có 4 bạn vào đại học, trong đó có 2 em đã ra trường đi xin việc làm.

Ở đây khái niệm “Tết Trung thu và phá cỗ Trung thu” là rất xa xỉ. Năm nào mình cũng cố gắng đi vận động nhà hảo tâm tổ chức cho cháu vui Trung thu. Tuy nhiên lâu lâu mới có kinh phí để làm. Phần lớn học sinh đến với lớp này nhà đều nghèo như nhau cả. Các cháu ban ngày đi học, đêm xuống ghe đi làm cá với bố mẹ nên việc tổ chức Trung thu cho các cháu rất khó khăn. May mắn năm nay có Đội công tác xã hội Trường đại học Kinh tế Huế hứa sẽ vui hội đêm Trung thu cùng các cháu”. Mong muốn của thầy là ngày càng có nhiều nhà hảo tâm tìm đến với lớp học xóm thủy điện Đập Góc - Đầm Sam để chia sẻ những khó khăn của bà con nghèo nơi đây. “Còn gia đình nào có điều kiện hơn mình sẽ làm bảng điểm và vào học bạ để các em có thể vào học lớp 5 ở trường chính được thuận tiện hơn” - Thầy Hòa cho biết.

Rời xóm nghèo Đập Góc lúc cơn nắng đầu mùa thu đang vụt tắt nhớ câu nói hồn nhiên của Bi kể về món quà Trung thu mà em nhìn thấy ở trong chợ nhưng chưa một lần được ăn và mong ước của bé Sơn khiến chúng tôi nao lòng. Nhờ Đầm Sam mà cuộc sống của nhiều người dân  nơi đây đã được cải thiện. Vậy mà còn biết bao gia đình vật lộn từng ngày với cuộc mưu sinh để tồn tại. Và, như một lẽ tất nhiên, khi cha mẹ nghèo, đám trẻ thơ cũng thấm đầy nhọc nhằn. Có những khát khao dẫu bé nhỏ nhưng không dễ thành hiện thực. Trung thu không ít người lại ăn không hết bánh “tiền triệu”, rất nhiều đồ chơi chưa kịp cũ đã bị đem vào sọt rác để vứt bỏ. Vậy mà ao ước có một cái đầu lân nhỏ để cùng nhau vui Trung thu của đám trẻ con xóm Đập Góc xem ra cũng khó trở thành hiện thực.

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ