Châu Phi: Chảy máu chất xám "cấp"

Châu Phi: Chảy máu chất xám "cấp"

(GD&TĐ) - Cứ 9 người sinh ra ở châu Phi và có bằng ĐH thì có một người di cư đến 1 trong 34 nước thành viên của Khối hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) bao gồm các quốc gia phát triển nhất thế giới. Tình trạng này đã khiến cho châu lục đen trở thành nơi có nạn chảy máu chất xám nặng nề.

Một nghiên cứu của Canada cho biết, các nước tiểu vùng châu Phi đầu tư đào tạo bác sĩ và đã mất khoảng 1,5 triệu euro khi các bác sĩ này ra nước ngoài làm việc
Một nghiên cứu của Canada cho biết, các nước tiểu vùng châu Phi đầu tư đào tạo bác sĩ và đã mất khoảng 1,5 triệu euro khi các bác sĩ này ra nước ngoài làm việc

Số người có trình độ cao di cư tăng mạnh

Theo một báo cáo chung về tình hình nhập cư toàn cầu của Phòng Kinh tế Xã hội thuộc Liên hợp quốc (UN DESA), có khoảng 30 triệu người di cư châu Phi trong số 232 triệu người di cư trên toàn thế giới. Tỷ lệ di cư của những công dân có trình độ cao sang các nước thành viên của OECD là mối lo lắng chủ yếu của các nước đang phát triển.

Theo báo cáo thống kê mới xuất bản có tên “Di cư trên thế giới qua những con số”, nạn chảy máu chất xám đặc biệt nghiêm trọng tại các nước nhỏ và các đảo quốc ở châu Phi, Mỹ La tinh và Caribbe.

“Ví dụ như năm 2010, gần 90% nhân lực có trình độ ĐH và tay nghề cao sinh ra ở Guyana đã sống ở các nước OECD” – báo cáo cho biết. Tình hình này cũng tương tự ở Barbados, Haiti, Trinidad và Tobago – nơi hơn 50% người có bằng ĐH sống ở nước ngoài.

Tỷ lệ người có trình độ cư ngụ ở các nước OECD cũng rất cao: Jamaica (46%), Tonga (46%), Zimbabwe (43%), Mauritius (41%), Cộng hòa Congo (36%), Belize (34%) và Fiji (31%).

Theo ông John Wilmoth, Giám đốc UN DESA, hơn 1 nửa người nhập cư có trình độ cao hiện sống ở Mỹ, Nga, Đức, Ả rập Xêút, các tiểu vương quốc A rập, Anh, Pháp, Canada, Australia và Tây Ban Nha.

“Ngược lại, các quốc gia thành viên của OECD cũng như các nước Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga lại có tỷ lệ người trình độ cao di cư thấp ở mức 3,5%” – ông Wilmoth cho biết.

Nói về tác động lên sự chảy máu chất xám, đặc biệt đối với các nước nhỏ đang phát triển với lượng công nhân có tay nghề tương đối ít, ông Wilmoth cho rằng, việc thất thoát nhân lực đã ảnh hưởng tới sự cung cấp các dịch vụ cơ bản, các nguồn lực tài chính và giảm tăng trưởng kinh tế.

Trong thập kỷ qua, số người nhập cư có trình độ tại các nước thuộc OECD đã tăng rất mạnh.

Bà Theodora Xenogiani, một chuyên gia về nhập cư tại văn phòng của OECD cho biết, tỷ lệ người nhập cư có trình độ ĐH tăng 70% trong vòng thập kỷ qua, đạt con số 27,3 triệu người vào năm 2010 - 2011.

“Xu hướng này phần lớn do sự di cư ở châu Á tạo ra vì hơn 2 triệu người có trình độ ĐH từ khu vực này đã đến OECD trong vòng 5 năm qua” – bà Xenogiani nói trong một cuộc phỏng vấn.

Số người có trình độ ĐH từ châu Phi sang các nước OECD trong 5 năm qua là 450.000 so với 375.000 người Trung Quốc.

Trong khi số người nhập cư có trình độ ĐH vào các nước OECD tăng mạnh, thì trong một số trường hợp, số người được đào tạo tăng mạnh hơn số người được đào tạo rời đi. Như ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, số người tốt nghiệp ĐH có thể bù đắp chỗ trống của những người có trình độ ra nước ngoài sinh sống.

Khác biệt về giới tính

Hiện 51% người nhập cư ở các nước OECD là phụ nữ. Ông John Wilmoth lưu ý rằng tác động tiêu cực của di cư tại hầu hết các nước đang phát triển rõ ràng hơn ở phụ nữ so với nam giới.

Ví dụ năm 2010 - 2011, phụ nữ có trình độ ĐH sống ở nước ngoài cao hơn nam giới. “Sự khác biệt này là 10% ở Congo, Maldives, Sierra Leone và Togo” – ông Wilmoth cho biết. Đa số những phụ nữ này làm GV hoặc trong ngành y tế ở nước ngoài.

Việc di cư của những người có trình độ cao một mặt là quá trình chảy máu chất xám, góp phần tạo ra sự thất thoát về nhân lực có trình độ cần thiết cho sự phát triển quốc gia. Tuy nhiên, nếu được quản lý đúng đắn, nó có thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả quốc gia mà người nhập cư đi khỏi và quốc gia họ đến.

“Việc di cư mở rộng cơ hội cho các cá nhân và là phương tiện để mở rộng sự tiếp cận đến các nguồn lực và giảm đói nghèo” – ông Wu Hongbo, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết.

Minh Hải
(Theo University world news)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ