Thực hiện nhiều dự án lớn về CNTT
Xuất thân trong một gia đình nghèo ở miền quê lúa Thái Bình, những cơ cực tuổi thơ đã thôi thúc Vũ Văn Luật quyết chí lập thân, lập nghiệp bằng tri thức.
Theo học chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở Đại học Mở và cao học tại Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 2008, anh đầu quân cho nhiều công ty chuyên về lĩnh vực CNTT để tích lũy kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo những sản phẩm trong lĩnh vực này.
Từ một nhân viên, anh dần phấn đấu và trở thành giám đốc một trung tâm của Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC. Trong quãng thời gian này, khả năng lập trình các phần mềm ứng dụng hữu ích của Luật được thể hiện với hai giải thưởng Nhân tài đất Việt trong 2 năm liên tiếp (2013-2014) cho hai sản phẩm “Hóa đơn điện tử VNPT-EInvoice” và “Chữ ký số trên Mobile”.
Tháng 10/2015, Trung tâm phần mềm và công nghệ thuộc Công ty Tecapro thành lập, với tài năng của mình, Luật được mời về làm giám đốc.
Từ 4 thành viên những ngày đầu thành lập, đến nay, trung tâm đã có 150 kỹ sư công nghệ. Ra đời chưa đầy 2 năm, hiện nay, trung tâm đã thực hiện thành công nhiều dự án lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ cả về dân sự và quân sự, góp phần khẳng định tài năng của những người lính làm khoa học ở Tecapro.
“Hãy cứ ước mơ và cống hiến hết mình. Cống hiến là cách định hình những ước mơ để vươn tới những thành công”.
Anh Vũ Văn Luật
Dưới sự điều hành của Vũ Văn Luật, các kỹ sư ở trung tâm đã góp phần giúp Tecapro triển khai thành công hệ thống Cổng giao dịch điện tử Bảo hiểm xã hội điện tử, do đích thân Thủ tướng bấm nút khai trương vào 18/5/2015 tại Hà Nội.
Hệ thống này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính quốc gia liên quan đến các thủ tục kê khai bảo hiểm xã hội của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, thực hiện liên thông điện tử qua mạng giữa các cơ quan, trả kết quả cho người nộp bảo hiểm xã hội qua mạng.
Đến thời điểm hiện tại, có 230 nghìn tổ chức thực hiện giao dịch điện tử qua mạng chính thức qua cổng giao dịch này hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Đây là hệ thống đầu vào quan trọng nhất cho thu, chi, sổ thẻ, chế độ chính sách… của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trung tâm cũng thực hiện thành công hệ thống “Giám định điện tử bảo hiểm y tế”, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bấm nút khai trương vào tháng 6 vừa qua và khẳng định đây là thời điểm mang ý nghĩa lịch sử đối với bảo hiểm y tế và ngành CNTT.
Lần đầu tiên, một dịch vụ CNTT đồng thời kết nối đồng bộ 13 nghìn đầu mối cơ sở y tế ở tất cả các cấp trên một nền tảng liên thông làm cơ sở thanh toán tiền bảo hiểm y tế giữa người khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội.
Hệ thống được triển khai trên mô hình CSDL tập trung có quy trình liên thông xuyên suốt từ khâu nhập dữ liệu thanh toán tới khâu trả kết quả giám định và thanh toán tiền bảo hiểm y tế.
Với hệ thống này, đã kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động khám chữa bệnh, tránh gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế. Hệ thống được ứng dụng các công cụ mạnh về phân tích, xử lý, truy vấn dữ liệu Big Data để đưa ra được các báo cáo đánh giá phân tích dự báo mang tầm cỡ vĩ mô, giảm thiểu những rủi ro với những đại dịch, xác định những vấn đề liên quan đến sức khỏe của các vùng miền. Dữ liệu của cả nước sẽ được tập hợp và khai thác một cách thực sự hiệu quả đối với các bộ, ban, ngành.
Sáng tạo không ngừng
Chia sẻ về vấn đề khoa học công nghệ trong lĩnh vực quân sự, Vũ Văn Luật nói: Mục tiêu của Tecapro là phát triển thiết bị bay phục vụ quân sự với các tác vụ như cảm tử dùng thiết bị bay robot, mang vác, hoặc thực hiện các tác vụ ở những điểm con người không với tới được.
Là doanh nghiệp quân đội, nên Tecapro thực sự hiểu việc phải phát triển cho quân đội thiết bị bay đáp ứng những yêu cầu kiểm soát hoàn toàn ở phía Việt Nam, đáp ứng được những điều kiện khắc nghiệt, xử lý được những tác vụ đặc thù, làm nền tảng của phát triển khoa học công nghệ hàng không lâu dài.
“Chúng tôi đã chủ động hoàn toàn trong việc phát triển hệ thống lõi điều khiển, các giải pháp truyền thông, bảo mật, kiểm soát hoàn toàn thiết kế… Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tạo ra những thiết bị bay đầu tiên với nhiều tính năng của một thiết bị bay robot và đang được tiến hành thử nghiệm”, anh Luật nói.
Ngoài thiết bị bay robot, trung tâm cũng đã phát triển hệ thống thiết bị mô phỏng. “Việc phát triển những thiết bị này sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí so với nhập khẩu của nước ngoài hàng tỷ đồng.
Ngoài ra còn tạo điều kiện cho các chiến sĩ của chúng ta có điều kiện luyện tập trong các kịch bản diễn tập gần như thực, trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian và không gian”, anh Luật nói.
Chia sẻ với Tiền Phong, chàng kỹ sư giàu nghị lực và trí tuệ cho rằng, phát triển công nghệ phải có nội tại và có phương pháp cụ thể định hình cả tương lai, góp phần giúp thay đổi góc nhìn của con người. Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm hiện có, anh Luật liên tục nghiên cứu, sáng tạo không ngừng để phát triển.