Tác động tích cực của giảm tải đến giáo viên và học sinh

Tác động tích cực của giảm tải đến giáo viên và học sinh

(GD&TĐ)- Bộ GD-ĐT chủ trương triển khai thực hiện mạnh mẽ điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm ở phổ thông với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng dạy và học. Trên thực tế bước đầu triển khai, chủ trương này đã tác động tích cực đến công tác giảng dạy và học tập của cả thầy và trò. 

>>>Giảm tải phải phù hợp với đối tượng từng vùng, miền

>>>Hỏi đáp về điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải

>>>Giảm tải - Ghi nhận từ cơ sở

>>>Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm để nâng cao chất lượng GD

>>>Giảm tải: GV chủ động, HS sáng tạo

Tinh thần của chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm (sau đây gọi chung là: dạy học theo hướng tinh giảm) là khắc phục khó khăn cho học sinh vì các em không phải học các kiến thức trùng lặp hay câu hỏi, bài tập yêu cầu quá cao; giảm thời gian học kiến thức hàn lâm, lý thuyết thuần tuý, tăng thời gian thực hành, học tại hiện trường, giúp các em có điều kiện được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực nhận thức, năng lực hành động và kỹ năng sống.

Bước đầu thực hiện dạy học theo hướng tinh giảm ở Sơn La

Học sinh trường tiểu học xã Sập Xa (Phù Yên, Sơn La). Ảnh, gdtd.vn
 Học sinh trường tiểu học xã Sập Xa (Phù Yên, Sơn La). Ảnh, gdtd.vn  

Tại tỉnh Sơn La, ngành giáo dục nơi đây đã và đang tích cực triển khai chủ trương này. Thầy Lê Xuân Vinh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu (TP. Sơn La) cho rằng: Việc đưa hướng dẫn điều chỉnh nội dụng dạy học theo hướng tinh giảm đã đem lại lợi ích rất lớn cho giáo viên và học sinh nhà trường.

Cụ thể, đã bố trí được giờ ôn luyện, củng cố kỹ năng cho học sinh; giáo viên có thêm thời gian cho những tiết học quan trọng. Ví dụ như môn Vật lý, trước đây thiếu giờ ôn luyện, khi thực hiện dạy và học theo hướng tinh giảm, các môn học đã có thêm giờ ôn luyện cho học sinh. Đối với những bài nào cắt thì nhà trường cho vào giờ ôn tập, thực hành; bài khó, bài dài thì chia giờ hợp lý để dạy thay vì như trước dạy trong một buổi.

Là một huyện khó khăn vùng biên giới, nhưng thầy Trần Đắc Phóng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp cho biết: chủ trương này đang được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh tiếp nhận khá phấn khởi và hào hứng.

Tác động tích cực bồi dưỡng kiến thức cho học sinh 

Tại Hà Nội, ông Phạm Hữu Hoan, phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm ớ các cấp học Phổ thông của Bộ GD-ĐT phù hợp với thực tế tình hình giảng dạy Giáo dục phổ thông hiện nay, phù hợp với giáo viên cũng như học sinh.

Ông Hoan khẳng định: ngay tại TP.Hà Nội mặt bằng chung của chất lượng GDPT đã có sự khác biệt giữa các quận nội thành với các đơn vị còn lại; đấy là chưa so với các tỉnh khác, mặt bằng chất lượng giáo dục có sự khác biệt khác nữa. Do vậy, chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm của Bộ đã tạo điều kiện cho giáo viên chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng, vùng miền, có điều kiện thời gian cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học tốt hơn…

Tiết học của HS khối lớp 10 trường Hữu nghị 80. Ảnh, gdtd.vn
Tiết học của HS khối lớp 10 trường Hữu nghị 80. Ảnh, gdtd.vn

Cụ thể hơn, ông Hoan dẫn chứng, đối với các trường ở một số quận nội thành Hà Nội như Đống Đa, Hoàn Kiếm, mặt bằng chung học lực của học sinh khá cao rồi, với cùng một bài học cụ thể, qua một tiết học, học sinh ở đây đã có thể hiểu hết; nhưng với học sinh ở các huyện ngoại thành khác như Ba Vì, Mê Linh, mặt bằng học lực có phần khác hơn, dạy bài học đó trong một tiết, các em vẫn chưa hiểu hết bài học thì giáo viên ở đây có thể chủ động linh hoạt giãn thời gian học.

Như vậy, với các thời gian dư ra của từng môn sẽ được sử dụng vào củng cố các kiến thức trọng tâm, sửa chữa các dạng bài tập khó, kiến thức khó nhớ hoặc tăng thêm thời gian giáo dục kĩ năng sống cho học sinh... tùy theo đặc điểm hoàn cảnh cụ thể của từng trường, từng vùng và sự chủ động sáng tạo của giáo viên.

Thực tế tìm hiểu tại Trường Hữu nghị 80 (TX Sơn Tây- P.Hà Nội), Hiệu trưởng Vũ Thị Ánh cho biết: nhà trường có yếu tố đặc thù rất cao. Học sinh ở đây chủ yếu là con em các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, còn lại là con em của các gia đình huyện đảo Cát Hải- TP.Hải Phòng...

Cô Ánh chia sẻ, phương pháp dạy của các giáo viên ở đây là phải bám sát trọng tâm bộ chuẩn kiến thức kĩ năng thì HS mới đủ sức theo học. Ngược lại, nếu giáo viên dạy dàn trải sang các phần nâng cao hoặc ham mở rộng kiến thức thì bài giảng sẽ không phù hợp với mức độ nhận thức của các em. Do vậy, kiến thức HS tiếp thu được sau các tiết dạy như thế là rất ít. 

3.jpg
Học sinh trường Hữu Nghị 80. ảnh, gdtd.vn

Cô Ánh nhận định: trên thực tế bước đầu triển khai dạy học theo hướng tinh giảm đã tỏ ra đặc biệt hiệu quả đối với HS của trường. Về phía học sinh, rất hào hứng và hoan nghênh khi chủ trương dạy học theo hướng tinh giảm được đưa vào giảng dạy; đã góp phần giảm đi một phần kiến thức quá khó, giảm những bài học quá dài trong một tiết, hoặc những phần không thực sự cần thiết đối với các em, thực sự làm cho HS ở đây đỡ vất vả hơn trong học tập.

Thầy giáo Phạm Hoàng Tuyên- Tổ trưởng chuyên môn Toán- trường Hữu Nghị 80 cho biết, thực tế triển khai dạy học theo hướng tinh giảm tại nhà trường, cụ thể là môn Toán, những phần thức trùng lặp, đã học ở các lớp trước được lược bỏ đi; những nội dung khó gồm: kiến thức khó, bài tập khó cũng được tinh giảm đi rất nhiều. Do vậy ở môn học này, mặt bằng kiến thức đã trở lại mức cơ bản, gần và sát với chuẩn kiến thức kĩ năng. "với học sinh các trường khác bên ngoài, việc học theo chủ trương này chắc chắn sẽ rất thuận lợi. Với mức độ tinh giảm như vậy học sinh trong trường chắc chắn sẽ đỡ vất vả hơn khi phải học tăng giờ, tăng tiết để theo kịp chương trình nhưng vẫn gặp khó khăn một chút so với các trường khác", thầy Tuyên chia sẻ.

Cụ thể, theo thầy Tuyên, theo phân phối chương trình, môn toán lớp 10, bài 3 "một số chương trình lượng giác thường gặp" có nhiều phần kiến thức khó đối với học sinh ở đây. Hướng dẫn dạy học theo hướng giảm tải đã bỏ đi mục 1- ý 3 phần đưa về phương trình bậc nhất đối với hàm số lượng giác. Mục 2 phần hàm số bậc hai không dạy. Việc giảm tải những phần khó này đã phù hợp với lực học của học sinh tại trường.  

Giáo viên Ngô Thị Bích Hà, tổ trưởng tổ Anh văn của trường cho biết: trong môn Tiếng Anh lớp 12, bài số 9 là "Từ nối, từ ghép" có kiến thức vừa dài lại khó nên trong hướng dẫn dạy học theo hướng tinh giảm là không dạy. Tất cả nội dung tinh giảm ở khối 12 môn học này đều nhằm tăng tiết cho phần đọc (reading) vốn khó, và tập trung vào phần ngữ pháp. Học sinh ở đây đều là học sinh dân tộc thiểu số nên vốn Tiếng Anh ít ỏi, học lực đuổi nên rất khó theo phân phối chương trình cũ nếu không có điều chỉnh dạy học theo hướng tinh giảm.

Tạo điều kiện cho giáo viên chủ động sáng tạo 

1.jpg
Dạy học theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm giáo viên phải chủ động và sáng tạo. Ảnh, gdtd.vn

Đối với GV, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm sẽ giúp họ có đủ điều kiện để chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng, có thêm thời gian cho việc dạy tốt hơn các yêu cầu kiến thức phổ thông cần thiết, có thêm điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho HS theo yêu cầu của CT giáo dục phổ thông.

Hiệu phó phụ trách chuyên môn trường Phổ Thông DTNT Hà Nội (huyện Ba Vì-TP.Hà Nội), thầy giáo Nguyễn Thành Long cho biết: đặc thù của trường gồm 2 cấp, THCS và THPT, học sinh đều là con em các dân tộc nên giáo viên chủ động giảm tải kiến thức, kéo giãn những tiết học khó, tổ chức ôn tập nhiều hơn cho các em, nhất là các nội dung khó để HS tiếp thu bài thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó là tùy thuộc vào đối tượng HS để đưa ra pháp truyền đạt khác nhau, nội dung ôn tập khác nhau. Cụ thể trong cùng một khối, có lớp chọn, thì nội dung ôn tập phải khác hơn so với những lớp còn lại. Hoặc trong cùng một lớp, có lực khác các HS cũng khác nhau. Do vậy, giáo viên nhà trường phải căn cứ vào từng đối tượng HS, phân loại để đưa ra phương pháp bồi dưỡng, kĩ năng ôn tập phù hợp với các em, thầy Long chia sẻ.

Thầy Long cho biết, các tổ bộ môn trong trường vẫn tiếp tục rà soát hướng dẫn với khung chương trình các môn học để triển khai giảng dạy. Việc này đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, áp dụng hướng dẫn một cách chủ động, khoa học và sáng tạo trong cách triển khai thực hiện mới mong phát huy mục tiêu của "điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm".

Kinh nghiệm triển khai

Tuy nhiên, để tất cả các trường học ở cấp học phổ thông đều nhất quán, quán triệt chủ trương này đến từng giáo viên và thực hiện hiệu quả từng đơn vị kiến thức theo hiệu trưởng Vũ Thị Ánh thì không phải cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện nghiêm túc ngay từ bước đầu triển khai.

Để khắc phục tình trạng này cô Ánh cho rằng: phải quán triệt nhất quán đến tất cả giáo viên tinh thần chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm. Tránh tình trạng ở lớp này, cô giáo này dạy học theo hướng tinh giảm nhưng ở lớp kia, cô giáo kia không dạy, gây thắc mắc trong học sinh.

Muốn được như vậy phải phân cấp, giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm triển khai cụ thể đến từng giáo viên bộ môn. Hơn thế nữa, trong việc này, trách nhiệm không chỉ của hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn, trực tiếp giúp việc cho hiệu trưởng phải giỏi và trước hết phải hiểu đúng, hiểu trọn vẹn tinh thần của chủ trương này thì mới mong thực tế triển khai dạy học theo hướng tinh giảm ở các trường đi đúng hướng.   

"Nếu cách hiểu lệch lạc, cách làm hời hợt, sự chỉ đạo triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn thì sẽ dẫn đến mỗi người làm một kiểu". Cô Ánh khẳng định.

Bá Hải- Luyện NgọcTuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ