Sarah cùng chồng và hai người con
Người dẫn chương trình Sarah Cawood (sinh sống tại Anh) đã có những trải nghiệm vô cùng ám ảnh sau ca sinh mổ và cô đã quyết định chia sẻ câu chuyện của mình.
“Mọi chuyện xảy ra vào khoảng tháng 3 năm nay khi tôi chờ chồng mình đi làm về. Bỗng nhiên tôi bị một cơn đau nhói ở bên hông. Tôi không hề biết đó là gì, bỏ qua và đi tắm. Nhưng khi chuẩn bị tắm xong, tôi ngã quỵ trong đau đớn. Chồng tôi về nhà và trông thấy tôi đang lê xuống bậc cầu thang. Ngay lập tức anh ấy gọi cấp cứu. Chồng tôi nghĩ rằng tôi chỉ đang cường điệu sự việc lên, nhưng thực sự lúc đó tôi không thể thở được bởi cơn đau thật khủng khiếp.
Họ tiêm cho tôi một liều morphine, nhưng thuốc không hề tác động tới phần hông. Tôi tự hỏi liệu mình có bị đau ruột thừa, hay thậm chí có thai ngoài tử cung. Tôi nói với y tá rằng mình cảm thấy như sắp chết đến nơi, nhưng cô ấy vẫn cười nói tôi sẽ không sao đâu. Thực ra, mọi thứ ngược lại. Sau đó vào khoảng 2 giờ sáng, tôi được đưa đi siêu âm và nhận được tin dữ rằng ruột tôi đang bị tắc rất tệ. Mọi người nhanh chóng chuẩn bị để đưa tôi đi mổ. Tôi phải nôn liên tục để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Sau khi mổ, tôi thức dậy tại phòng hồi sức, nói chuyện cùng các bác sĩ. Họ nói rằng nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn là bởi các vết sẹo từ những cuộc phẫu thuật sinh đẻ trước (tôi từng sinh 2 con bằng phương pháp mổ đẻ). Phần ruột của tôi bị mắc kẹt vào sẹo mổ - những vết sẹo mà có thể dính vào bên trong cơ thể bạn và gây hại cho các cơ quan. Trường hợp này thật sự hiếm. Bởi sự kết dính đó mà ruột tôi xoắn lại, cắt đứt nguồn cung cấp dinh dưỡng và bắt đầu hoại tử. Và rồi tôi bị nhiễm trùng máu. Đó là lý do tại sao tôi đứng trên bờ vực cái chết. Họ lấy ra 1,3 mét ruột chết trên tổng số 6 mét ruột của tôi.
Vết sẹo sau cuộc phẫu thuật của bà mẹ 43 tuổi.
Quá trình hồi phục sau phẫu thuật thật là một cực hình. Đầy hơi, tiêu chảy là những thứ tôi luôn phải đối mặt. Tôi phải ở lại bệnh viện một tuần và luôn phải đeo tã trong khoảng thời gian đó. Một khi ruột của tôi hoạt động trở lại, sau 2 ngày, tôi dành cả ngày cho việc đi toilet. Điều này khiến tôi kiệt sức. Và bởi đoạn ruột bị cắt bỏ mang khả năng cung cấp vitamin B12, nên tôi phải đi tiêm bổ sung 3 tháng 1 lần trong suốt quãng đời còn lại. Tôi cũng phải thay đổi cách ăn uống, giống như cho một đứa trẻ bú vậy, tôi không thể ăn mỳ ống, salad hay bánh mì. Sau khi hồi phục kha khá, tôi đã có thể đi quay hình lại.
Những gì xảy ra với tôi thực sự không dễ chịu chút nào, nhưng tôi luôn muốn hướng về phía trước và đối diện với nó. Tôi selfie tại bệnh viện mỗi ngày để lưu giữ lại những khoảnh khắc và đăng tải chúng lên mạng xã hội. Tôi luôn hướng về phía trước, và tôi không hề cảm thấy xấu hổ về việc này vì tôi có thể mang lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người khác.”
Một trong những bức hình selfie của Sarah tại bệnh viện.
Hiện tượng tắc ruột do mô sẹo là gì?
Phần mô sẹo bám dính có tác dụng khiến các nội tạng dính chặt lấy nhau. Chúng thường được hình thành sau các cuộc phẫu thuật ở bụng - điển hình là mổ đẻ. Bình thường, các mô và các cơ quan bên trong có bề mặt trơn trượt, giúp chống dính. Nếu các mô bị kích thích, sau một cuộc phẫu thuật hoặc nhiễm trùng, quá trình hồi phục cơ thể gây ra một phản ứng. Sẹo là một phần tự nhiên được hình thành sau sự lành lại của các vết thương, và mô sẹo sẽ thay đổi sau nhiều tháng.
Khi phẫu thuật cắt ruột, một phần của ruột sẽ được loại bỏ từ ruột non hoặc ruột già. Phẫu thuật cắt bỏ ruột có thể được thực hiện để điều trị ung thư đường tiêu hóa, hoại tử ruột, viêm ruột, viêm ruột thừa, viêm màng dạ con, viêm loét đại tràng, hoặc như Sarah - tắc ruột do mô sẹo.