Vùng xanh - vùng đỏ

GD&TĐ - “Vùng xanh - vùng đỏ” là những từ quen thuộc nhưng giờ dùng để chỉ khái niệm mới trong chống dịch.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khi biến chủng Delta chưa xuất hiện, hễ trong phường, thậm chí cả huyện/thành phố đó mà xuất hiện ca F0 là lập tức phong toả cả một vùng rộng lớn. Vi rút SARS-CoV-2 lúc đó chưa xuất hiện chủng mới, việc lây lan của nó không khủng khiếp nên việc dập dịch không quá vất vả như hiện nay.

Dạo ấy, có những trường hợp khó tin, như người đàn ông Trung Quốc được xác định là F0, đi cùng vợ đến lưu lại trong một khách sạn ở Nha Trang nhiều ngày nhưng người vợ thì không bị lây nhiễm mà cô lễ tân của khách sạn lại dương tính! Cả gia đình lẫn người yêu của cô lễ tân này ở với nhau cả cái Tết cũng không việc gì.

Tuy nhiên, biến chủng Delta xuất hiện, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh khiến cả nước lao đao từ 3 tháng qua. Không thể lấy việc xuất hiện vài ba ca mà phong toả cả vùng rộng lớn được nên ban phòng chống dịch mới khoanh lại trong phạm vi hẹp hơn để khỏi ảnh hưởng đến những nơi chưa có F0.

Khái niệm “vùng xanh - vùng đỏ” xuất hiện từ đó. Hiểu một cách nôm na, vùng xanh là nơi an toàn, chưa xuất hiện ca F0 nào và vùng đỏ thì ngược lại, nơi đó đang xuất hiện ổ dịch.

Lý thuyết là như vậy, song không phải địa phương nào cũng áp dụng linh hoạt mà nhiều nơi rất máy móc. Trong một phường đang có ổ dịch nhưng nhiều dãy phố không có ca F0 nào vẫn bị áp dụng giãn cách triệt để suốt nhiều tháng liền khiến người dân vô cùng bức bí.

Cũng vì để cấp trên không phê bình, nhiều địa phương dưới cơ sở đã đưa ra nhiều “luật” của riêng mình với đủ các thứ giấy tờ vô cùng phiền phức mà dịch thì không phải vì thế mà giảm đi.

Sau nhiều tháng nay dập dịch theo kiểu cực đoan không hiệu quả, Thủ tướng đã có những điều chỉnh về mặt chiến lược. Theo đó, chúng ta phải tập làm quen dần với việc sống với dịch một cách an toàn.

Quan điểm này cần phải được quán triệt tận cơ sở và vận dụng linh hoạt để có thể phục hồi kinh tế, mở cửa trở lại. Như vậy, khái niệm “vùng xanh” không còn bó hẹp trong phạm vi không gian địa lý nữa mà cần phải nới rộng ra đến con người.

Lấy ví dụ như một người đã dương tính và chữa khỏi thì cũng không nên bắt họ phải ở mãi trong khu phong toả thuộc “vùng đỏ” mà cần “giải phóng” cho họ để họ được làm những việc bình thường, trong đó có việc giúp người đang điều trị Covid-19.

Một người đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin, mũi hai đã qua 15 ngày, xét nghiệm âm tính thì cũng không nên bắt họ phải cách ly tập trung như những người chưa tiêm mũi nào nếu họ di chuyển ra tỉnh khác.

Dĩ nhiên, cả người chữa xong bệnh lẫn người được tiêm hai mũi vắc-xin đều phải tuân thủ 5K nghiêm ngặt. Hoặc cũng nên cho bệnh viện tư nhân họ tham gia điều trị có thu phí để những gia đình có điều kiện tài chính san sẻ gánh nặng cho ngân sách đồng thời giảm tải cho y tế công lập.

Nếu “vùng xanh” được mở rộng như thế thì chúng ta mới có thể vượt qua đại dịch, bằng không cứ tự giam mình trong các khu giãn cách thì dịch cũng không hết mà kinh tế thì ngày càng khó khăn thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?