Trách nhiệm với ai?

GD&TĐ - Chúng ta sống không những phải có trách nhiệm với gia đình, xã hội mà còn phải có trách nhiệm với chính bản thân. Không có trách nhiệm, đó là kẻ không có liêm sỉ.

Trong khi TP Hà Nội quyết định tạm dừng các hoạt động tại phố đi bộ từ tối 21/8 vì những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thì người dân lại đổ dồn ra Hồ Tây. Thực trạng đó không chỉ cho thấy sự chủ quan trong ý thức phòng chống dịch bệnh, mà còn thể hiện tính ham vui tụ tập bất chấp sức khoẻ, tính mạng của mình và gia đình..

“Vui đâu chầu đấy” là câu khẩu ngữ giải thích sự ham chơi, thấy chỗ nào vui là sà đến. Sâu sắc hơn, câu nói dành hẳn cho những người sống vô trách nhiệm, hay hóng hớt. Nó đặc biệt đúng trong hoạt cảnh đông đảo người đổ dồn ra Hồ Tây tụ tập khi phố đi bộ phải tạm dừng hoạt động.

“Ngồi yên khi Tổ quốc cần” là khẩu hiệu mà cộng đồng mạng kêu gọi khi chủ trương giãn cách xã hội được thực thi. Nếu không giãn cách, việc đi đâu và tụ tập đông đảo thế nào là việc của bạn. Nhưng, khi dịch bệnh đang hoành hành tiềm ẩn những nguy cơ khó lường thì đi đâu, làm gì, tụ tập số lượng bao nhiêu người lại là một phép tính cần rất chi li.
Mặc cho UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị cấm triệt để, quanh Hồ Tây, trên các tuyến đường Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài vẫn đông nghịt người ngồi trong quán trà đá vỉa hè. Các biện pháp phòng dịch gần như không được áp dụng tại đây, như thể Covid-19 là thứ không tồn tại.

Điều đáng buồn là khi phóng viên hỏi người bán quán nước bên vỉa hè về phòng chống dịch, thì người bán nước thản nhiên: “Chỗ này tôi đã thuê rồi, bây giờ bán thì làm sao? Dịch gì thì cũng phải sống. Ai sợ thì đừng có vào đây ngồi, tự bảo vệ mình chứ ai có trách nhiệm với ai?”.

Ai có trách nhiệm với ai? Câu nói này nghe sao mà đau xót quá. Đến một người bán trà đá nơi phố thị cũng “thốt” ra một câu nói, mà có lẽ không một người có lương tri nào dám nói. 

Bán nước, dù chỉ vì vài đồng bạc thì cũng nên có trách nhiệm. Ngoài thực hiện các quy định văn minh đô thị, an toàn thực phẩm thì trách nhiệm đó còn phải gắn với chính cá nhân, gia đình mình. 

“Dịch thì cũng phải sống”, nhưng xin thưa đó là khi dịch bệnh chưa đến lúc phải giãn cách xã hội lần 2. Nếu dịch diễn biến nặng, người bán trà đá ở Hồ Tây kia liệu còn cơ hội để ngồi đó thách thức “ai sợ thì đừng có vào đây ngồi” nữa hay không?.

Thiển cận và vô trách nhiệm, hai thứ khi kết hợp trong một con người nó sẽ ra thế nào? Câu hỏi này, có lẽ nên dành tặng cho những người đang “vui đâu chầu đấy” bên Hồ Tây thơ mộng. Vì nghe nói, những người hay tụ tập bất chấp dịch bệnh có khả năng siêu phàm: Mắt thường nhìn thấy virus, tay không tóm được vi khuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ