Thay áo mới cho hát bội

GD&TĐ - Từng một thời “Hát bội làm tội người ta…” nhưng theo thời gian khi cải lương rơi vào túng cảnh thì hát bội chỉ còn bám trụ chủ yếu ở đình làng - nơi đã cưu mang loại hình này từ ngàn xưa…

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mới đây, các bạn trẻ nhóm “Vang vọng trống chầu” đã mở màn cho tuần lễ trải nghiệm văn hóa “Dung dăng dung dẻ - Play with culture” với nhiều hoạt động hấp dẫn để cùng nhau “chơi mà học” với phần trình diễn lớp Tứ Thiên Vương cực kỳ hấp dẫn của các nghệ sĩ thuộc Đoàn hát bội Ngọc Khanh trên sân khấu tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Sự kiện kéo dài từ ngày 23 đến hết ngày 30/1.

Một tín hiệu vui là khá đông bạn trẻ và phụ huynh đưa con ra đường sách đã tò mò ghé xem. Thỉnh thoảng, cũng có những gương mặt ngạc nhiên, có phần ngơ ngác khi nghe giải thích về một lớp diễn trong Lễ xây chầu - một hình thức đón chào những khởi đầu mới với tiếng trống chầu dõng dạc của người dân ở Gia Định - Đồng Nai xưa.

Một người mẹ trẻ chỉ tay về sân khấu (gánh hát) - nơi các nghệ sĩ của Đoàn hát bội Ngọc Khanh trình diễn lớp Tứ Thiên Vương, nói với con: “Hát bội đó con. Con coi cái này là sẽ biết thêm lịch sử. Vui hơn học trên lớp ha?”. Một chuyên gia về văn hóa nghệ dân gian thì bảy tỏ sự vui mừng khi có những chương trình như thế này, nhất là khi thấy ngày càng nhiều bạn trẻ chung tay, chung sức đưa hát bội trở lại, để hát bội vẫn tồn tại.

Cùng với đó là workshop sáng tạo và Trò chơi văn hóa cùng với một loạt hoạt động hấp dẫn, đầy ý nghĩa được lồng ghép một cách vui nhộn, như: Kinh lược, Hội phố, Kiều tarot, Sách vải, In tranh Đông Hồ, In cắt máy mini-theater… Bên cạnh đó, các tiết flashmob, lấy cảm hứng từ nghệ thuật biểu diễn truyền thống, làm hát bội trở nên gần gũi, dễ tiếp cận, kích thích niềm hứng thú của giới trẻ với hát bội.

Với cách tiếp cận thú vị này, chương trình “Dung dăng dung dẻ - Play with culture” đã níu chân được nhiều bạn. Không ít khán giả trẻ bày tỏ sự hứng thú khi đi xem tour triển lãm, có thêm kiến thức về hát bội, đờn ca tài tử, hát bóng rỗi, hát sắc bùa, tham gia các workshop tô màu, tự làm họa tiết diễn xướng Nam Bộ, trải nghiệm các gian hàng trò chơi sáng tạo thẻ bài postcard… Đặc biệt, những ai muốn tìm hiểu sâu hơn, có thể dùng điện thoại quét QR Code để đọc thông tin trên mạng, chọn tham gia những buổi talkshow sẽ được tổ chức rải rác suốt tuần đến 30/1 về nhiều chủ đề khác nhau.

Đây có thể xem như một “thành quả” của nhóm “Vang vọng trống chầu” trong hành trình nuôi dưỡng và chia sẻ tình yêu văn hóa, lịch sử của cộng đồng bạn trẻ yêu sáng tạo đang ngày một đông tại TPHCM. Với hành trình này, cả nhóm mong muốn cùng nhau gióng lên những hồi trống để thôi thúc người trẻ tìm về quá khứ, đến với những giá trị, vẻ đẹp di sản của cha ông.

Như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ đầy tâm tư tại sự kiện “Chất liệu văn hóa - Học mà chơi”: “Nhiều nghệ thuật truyền thống như con thuyền đang chìm xuống đáy nước. Để kéo cho con thuyền đó chìm chậm lại, chúng ta phải cho nó sống dậy trong hình hài mới, nhận thức mới, phù hợp với đời sống hiện đại”.

Có một thực tế không thể chối cãi là hát bội đang rất “già cỗi”. Sự cũ kỹ thể hiện rõ trong nhiều vở diễn mà bối cảnh, phục trang, cách dàn dựng không khác mấy mươi năm về trước. Hy vọng rằng, việc thay áo mới cho nghệ thuật hát bội của các bạn trẻ sẽ tiếp tục được duy trì và lan tỏa sang những loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Để chúng ta cùng thắp lên ngọn lửa hy vọng “Hát bội làm tội người ta…” như thuở nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.