Tấm chân tình...

GD&TĐ - Khi đang tham gia giao thông, một người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh đột ngột chuyển sang làn dành cho xe ô tô để nhặt tiền rơi, gây va chạm cho một chiếc xe hạng sang.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

May mắn, người này không bị thương tích, chủ chiếc xe hạng sang cũng không bắt đền mà còn “gửi” thêm chút tiền cho người đàn ông kia sửa xe. Điều bất ngờ hơn nữa là ngày hôm sau, chủ nhân chiếc xe sang còn tặng người này một chiếc xe máy mới để đi lại an toàn hơn...

Hành động của người điều khiển xe ô tô đương nhiên nhận được sự cảm mến của mọi người bởi không phải ai cũng làm được.

Thực tế, đã có nhiều vụ cãi vã, xô xát, thậm chí án mạng mà nguyên nhân là do va chạm giao thông. Khoan vội nói đến chuyện đúng sai do bên nào, chỉ riêng việc “các bên” không thể bình tĩnh để “nói chuyện” được với nhau đã cho thấy nhiều điều về văn hóa giao thông, rộng hơn là cách ứng xử, giải quyết những va chạm nhỏ nhặt hàng ngày.

Cho nên, hành động của người điều khiển ô tô cho thấy một cái nhìn khác về tình người, về cách hành xử với những việc dù nhỏ nhưng nếu muốn cũng có thể “đao to búa lớn” được.

Ai cũng biết tai nạn là điều không mong muốn và nếu không kiềm chế cảm xúc sẽ dễ xảy ra những chuyện không hay. Một số người bạn của tôi cũng vừa gửi một ít tiền, tôi sẽ chuyển để chú đi thi lại bằng lái - người điều khiển xe ô tô tâm sự. Anh nhấn mạnh thêm rằng, hành động của mình không phải là từ thiện mà xuất phát từ cái tâm.

Tôi rất ghi nhận hành động biết nhận lỗi của người đàn ông đi xe máy. Trong trường hợp này, nhiều người sẽ nóng nảy, thậm chí xô xát, nhưng cuộc sống mà, phải bình tĩnh giải quyết mọi chuyện vì cái kết cũng có hậu rồi, chỉ cần như thế là đủ.

Cách ứng xử này của người điều khiển xe ô tô đã nói lên tất cả. Rằng trong bộn bề cuộc sống, ai cũng vất vả mưu sinh nhưng không vì thế mà quá vô tình. Vô tình trong cách ứng xử, giải quyết những sự việc phát sinh, vô tình với những người còn đang khó khăn hơn mình.

Vụ va chạm giao thông bình thường nhưng cách giải quyết lại “không bình thường” đó là tình người, là cách xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông.

Chiếc xe máy là “món quà” có ý nghĩa đặc biệt, nó không đơn thuần nằm ở giá trị vật chất thông thường mà ẩn chứa trong đó là tấm chân tình. Có câu: Của cho không bằng cách cho. Giá trị vật chất chỉ là thứ yếu, cái chính là tấm lòng.

Như tâm sự của người nhận thì có chiếc xe mới, công việc của tôi sẽ đỡ vất vả hơn, an toàn hơn. Đây cũng chính là món quà mà tôi tặng cho con gái nhỏ trong ngày 8/3. Từ nay tôi sẽ có chiếc xe tươm tất để đưa đón con gái đi học. Con gái tôi cũng đỡ mặc cảm với bạn bè hơn...

Cả người cho và người nhận đều có cho mình những niềm vui, niềm hạnh phúc riêng mà không phải ai cũng có đủ “điều kiện”, “nền tảng” để tạo dựng và thực hiện được.

Cho nên, cần thiết phải trân quý và lan tỏa. Quan trọng nữa, không nên đánh giá con người dựa trên địa vị hay tiền bạc mà phải nhìn vào tấm lòng, vào cách hành xử với những sự việc cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ