Siêu thị rỗng ruột

GD&TĐ - Thật khó để hình dung những siêu thị ở TPHCM từng đầy ắp hàng hoá, nhất là những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân bây giờ lại rỗng ruột như thế!

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dù thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16, song các xe chuyên dụng chở thực phẩm như rau củ và các mặt hàng tươi sống khác vẫn được phép lưu thông bình thường nên không thể nói là hàng bị thiếu hụt nên xảy ra cảnh rỗng ruột ở các siêu thị. Nguyên nhân là do tâm lý sợ hết hàng nên người mua đã gom hàng quá nhiều trong khi nhu cầu thực tế không nhiều đến vậy.

Vì đâu dẫn đến tâm lý sợ hết đồ ăn để rồi gom hàng một cách bừa phứa thiếu cân nhắc như vậy? Vì lời đồn! Đồn rằng, trong vài ngày tới, TPHCM sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn trong giãn cách. Theo đó, mọi người sẽ không được ra khỏi nhà, phiếu đi chợ không chỉ ngày cách ngày hoặc 2 - 3 ngày/lần mà lên 5 ngày, thậm chí một tuần mới được đi chợ một lần!

Không phải đến hôm nay, người dân TPHCM mới nghe những lời đồn trôi nổi liên quan đến việc chống dịch này mà từ khi xuất hiện có các ổ dịch lớn tại thành phố, người dân liên tục nghe những thông tin không thuận lợi cho sinh hoạt của họ bằng nhiều hình thức như rỉ tai nhau hoặc lan truyền trên mạng xã hội.  

Điều đáng tiếc là, cơ quan chức năng của thành phố, một mặt trấn an dư luận theo cách duy ý chí, mặt khác những lời đồn ấy lại trở thành hiện thực sau đó không lâu.

Ví dụ như người ta đồn là TPHCM sắp áp dụng Chỉ thị 16, liền sau đó là cơ quan chức năng chỉ đạo cho báo chí hoặc ra thông cáo cho rằng việc sắp  áp dụng Chỉ thị 16 là thiếu căn cứ, là đồn…nhầm! Cuối cùng thì thực tế ra sao, mọi người đã rõ. Đối với việc chống dịch Covid-19, một trong những điều nên tránh là giấu giếm thông tin với dân. Vì không đâu màu mỡ hơn bằng mảnh đất giấu giếm ấy để lời đồn thổi sinh sôi nảy nở.

Trở lại với câu chuyện siêu thị rỗng ruột mấy ngày qua. Ngoài tâm lý sợ hết hàng nên cố mót vét thì một nguyên nhân khác là thành phố đã quá cứng nhắc trong việc “bóp chết” các chợ - nơi vẫn cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân mỗi ngày.

Đành rằng, áp dụng biện pháp mạnh trong giãn cách thì dẹp các chợ tự phát, yêu cầu cao ở chợ đầu mối như phải có giấy xét nghiệm âm tính… là việc nên làm, song một khi các siêu thị quá tải, bày bán cả trên vỉa hè để giảm thiểu số người quá đông vào siêu thị thì có khác gì các chợ tự phát? Ai dám bảo đảm rằng, việc bán hàng như thế ở siêu thị là không lây lan dịch bệnh?

Mỗi ngày, số ca dương tính ở TPHCM nhảy múa đến chóng mặt. Số người nhiễm virus tiệm cận với con số 2.000 ca mỗi ngày, quả là điều quá kinh khủng. Áp dụng các biện pháp mạnh, thậm chí một số nơi còn “khoán” cho lực lượng chống dịch mỗi ngày phạt bao nhiêu trường hợp là chưa đủ để tình hình ổn định.

Chưa lúc nào sự ý thức trong mỗi người cần phải được đánh thức như lúc này. Nhà chỉ cần 10 ký gạo là đủ nhưng mua đến 50 ký thì cũng là một cách tiếp tay cho dịch đấy thôi.

Có thể có những lúng túng nhất định trong việc điều hành hoặc ban bố một số biện pháp chưa sát với thực tế, song thế nào rồi các nhà quản lý và ban phòng chống dịch TPHCM cũng sẽ có cách để tháo gỡ những điểm nghẽn mà người dân đang phải đối mặt hàng ngày.

Một trong những điểm cần tháo gỡ là cần lấp đầy hàng hoá ở các siêu thị, người dân chỉ “yên tâm” khi nhìn các siêu thị không rỗng ruột mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ