Quốc hội và biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Khai mạc sáng nay, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dày đặc nội dung quan trọng. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước khi kỳ họp diễn ra, Chính phủ đã gửi tới Quốc hội Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia. Báo cáo cho biết, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong 10 năm qua đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tiếp tục tăng, từ 39,7% năm 2011 lên 40,84% năm 2015, đến năm nay ước đạt 42%, bằng chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong số 230 nghìn hecta rừng cả nước trồng được hàng năm, có 215 nghìn hecta là rừng sản xuất, góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Giá trị xuất khẩu lâm sản cũng tăng từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên khoảng 12,7 tỷ USD vào năm nay, đưa Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu lâm sản.  

Dẫu vậy, những chuyển biến tích cực này không thể làm vơi đi nỗi lo “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Bởi lẽ, dù đã thực hiện “lệnh” của Chính phủ dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc từ năm 2016, nhưng trong giai đoạn 2016 – 2020 vẫn có 11.661 ha rừng bị thiệt hại. Tính ra, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.332 hecta rừng. Đặc biệt, kết quả trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở cả 2 giai đoạn (2011 - 2015 và 2016 - 2020) đều không đạt kế hoạch vì thiếu vốn, thiếu quỹ đất. Ngay cả tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tuy đạt chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng tính xác thực của số liệu này vẫn là một câu hỏi. Bên cạnh đó, như báo cáo của Chính phủ chỉ ra, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, nhất là tại một số vùng trọng điểm phá rừng như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Giá trị to lớn, đa dạng của rừng cũng như những thảm họa khốc liệt, khôn lường khi rừng mất đi chắc chắn nhiều người đều nhận thức được. Như miền Trung, vốn không xa lạ gì với mưa bão, lũ lụt nhưng trong vài chục năm trở lại đây, sức tàn phá của chúng ngày càng khốc liệt hơn. Đáng nói là, số người thiệt mạng trên đất liền phần lớn là do lũ quét, lở đất. Hậu quả ấy rõ ràng có sự “góp sức” của con người thông qua việc phá rừng. 

Trong bối cảnh mưa lũ đang tàn phá miền Trung, còn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại trải qua một mùa “đói lũ” – những dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đã hiện hữu và mang đến nhiều rủi ro, mất mát khôn lường - kết quả bảo vệ và phát triển rừng cần được các đại biểu Quốc hội ưu tiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 10. Từ đó, mới có thể xây dựng được một thể chế quản lý rừng hiệu quả hơn nhằm thay đổi toàn diện bức tranh rừng nhiều hiểm họa hiện nay và giảm bớt tác hại của biến đổi khí hậu. 

Đất nước ta còn nghèo, thu ngân sách năm nay vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19 và một vài năm sau chưa thể khả quan hơn. Nguồn vốn vay bên ngoài cũng hạn hẹp hơn vì ở đâu cũng túng thiếu. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động và lao động mất việc làm - dù tạm thời - vẫn đang rất cao. Trong khi đó, tương lai kinh tế toàn cầu rất bất định. Hơn bao giờ hết, Quốc hội khi bố trí ngân sách cần thực sự tiết kiệm, cắt bớt các khoản chi tiêu và đầu tư chưa thật cần và tập trung nguồn lực tăng khả năng chống chịu với các biến động, trong đó có biến đổi khí hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ