Phụ huynh là điều kiện tiên quyết

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT (chụp khi chưa giãn cách xã hội do dịch)
Ảnh minh họa/INT (chụp khi chưa giãn cách xã hội do dịch)

Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, Bộ hướng dẫn các nhà trường xây dựng chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt; tinh giản những bài tập khó cũng như bài tập yêu cầu kỹ năng tổng hợp.

Ở môn Tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học sao cho học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt một cách chắc chắn, không để tình trạng không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2.

Trong công điện mới nhất gửi các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn còn đặc biệt lưu ý đối với lớp 1, lớp 2, các tỉnh ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi học sinh đi học trở lại, trường phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội, việc tổ chức cho học sinh học từ xa (trực tuyến, trên truyền hình) không phải chỉ diễn ra trong 1 - 2 tuần, mà có thể một vài tháng, hoặc cả học kỳ. Với học sinh cấp lớp lớn, việc dạy học từ xa khó khăn một, thì với lớp 1, lớp 2 gian nan gấp đôi, gấp ba. Bởi học sinh tiểu học chưa có ý thức học tập như học sinh trung học. Ở lớp 1, lớp 2, đa phần các em vẫn còn ham chơi, khó tập trung được lâu. Nhiều trẻ từ mầm non lên lớp 1 là tờ giấy trắng từ tư thế ngồi học, cầm bút đến nền nếp học tập.

Làm thế nào để học sinh không bị chán, quá tải, không bị áp lực mà vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả dạy học từ xa là bài toán khó với giáo viên và nhà trường. Vì thế, việc Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về dạy học ở cấp tiểu học, trong đó đặc biệt dành nhiều quan tâm cho lớp 1 và 2 đã kịp thời tháo khó cho đội ngũ.

Những định hướng mang tính khoa học và thực tiễn cao của ngành sẽ tạo cơ sở cho các địa phương, từng nhà trường, giáo viên chủ động hơn trong việc tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng và thực tế, bảo đảm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cốt lõi làm cơ sở để thực hiện các nội dung khác một cách chủ động, linh hoạt. Tới đây, Bộ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay.

Văn bản hướng dẫn của Bộ đã mở lối nhưng để thực hiện tốt nội dung điều chỉnh trong dạy học, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của mỗi cán bộ quản lý và các nhà giáo.

Nghiên cứu kỹ nội dung hướng dẫn theo từng môn học, khối lớp, cấp học, tăng cường trao đổi, thảo luận nhóm chuyên môn để thực hiện hiệu quả chương trình, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và có đề xuất kịp thời, thống nhất các chuyên đề tích hợp… là những việc làm cần được các nhà trường tích cực triển khai.

Đặc biệt, để dạy học từ xa với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 và 2 đạt chất lượng, công tác phối kết hợp với phụ huynh cần được nhà trường và giáo viên hết sức coi trọng.

Dù chương trình giảm tải, thầy cô nâng cao chất lượng chuyên môn thì học sinh lớp 1, lớp 2 cũng khó thể ngồi học và thực hiện các yêu cầu bài học một mình trước màn hình tivi hay máy tính.

Vì thế, đa dạng hoá các kênh kết nối với cha mẹ học sinh, cung cấp cho phụ huynh thông tin liên quan đến bài học để cùng học và hướng dẫn con; Tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh chia sẻ, đồng cảm và đồng hành là những cách làm cần nhân rộng, bởi nói như ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 7, TPHCM: “Phụ huynh là điều kiện tiên quyết bảo đảm việc triển khai hiệu quả dạy học từ xa đối với học sinh lớp 1 nên chúng tôi bắt đầu từ phụ huynh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ