“Nói suông” thì khó huy động!

GD&TĐ - Tính đến sáng 2/8, Đồng Nai vượt 5.000 ca dương tính với Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 trong khi tổng số nhân lực ngành Y tế của tỉnh có khoảng 8.000 người.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hiện tại, cả 9 bệnh viện dã chiến, 5 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tiếp nhận, điều trị hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 đều đã quá tải. Đồng Nai cũng đã ghi nhận 47 nhân viên y tế nhiễm Covid-19, kéo theo đó là nhiều trường hợp F1 cũng là nhân viên y tế phải cách ly tập trung.

Bên cạnh đó, do số ca mắc mới chưa có dấu hiệu giảm, dịch có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế đã giao cho tỉnh phải chuẩn bị, thành lập thêm các bệnh viện dã chiến để nâng quy mô lên 10 nghìn giường bệnh. Ngoài ra, ngành Y tế Đồng Nai còn phải huy động số lượng lớn nhân sự tham gia công tác tiêm vắc-xin, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm…

Do thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tế, Sở Y tế Đồng Nai vừa có văn bản gửi giám đốc các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh để huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, nhận định tình hình dịch diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch, tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh Covid-19 khi có yêu cầu.

Cuộc chiến với Covid-19 là của cả đất nước và toàn dân. Và vì vậy, y tế tư nhân không thể đứng ngoài cuộc.

Hiện tại, y tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng, chia sẻ gánh nặng quá tải cho các bệnh viện công, nhất là ở các thành phố lớn. Sau 9 năm thi hành Luật Khám, chữa bệnh, y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng.

Nếu như năm 2011 chỉ có 102 bệnh viện tư nhân và bán công với 5.822 giường bệnh thì đến năm 2019 đã có 248 bệnh viện tư nhân với 21.048 phòng khám chuyên khoa, trên 15.475 giường bệnh.

Sự tham gia tích cực của hệ thống y tế tư nhân trong khám chữa bệnh đã góp phần nâng số giường bệnh/10.000 dân từ 23,56 năm 2011 lên khoảng 29 giường/vạn dân năm 2018.

Với năng lực như vậy, nếu không huy động được y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào công cuộc phòng chống dịch, cả ở khâu xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị, thì đó là một sự lãng phí nguồn lực đáng kể.

Muốn “kéo” y tế tư nhân vào cuộc, phải “thuê” họ chứ không thể kêu gọi “suông”. Ví dụ, Nhà nước không cho phép tư nhân cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin nhưng ngân sách có thể trả tiền để “thuê” các cơ sở y tế tư nhân tiêm vắc-xin để đẩy nhanh tiến độ.

Tương tự, các cơ sở y tế tư nhân cũng có thể tham gia vào mô hình tháp điều trị Covid “4 tầng”, “5 tầng” ở các địa phương và được trả tiền từ nguồn bảo hiểm xã hội hoặc từ bệnh nhân.

Cùng với “kêu gọi” của Bộ Y tế, các địa phương, lúc này, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải sát sao cùng các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế tài chính khi huy động y tế tư nhân tham gia chống dịch.

Nguyên tắc là y tế tư nhân tham gia thì phải được trả tiền, nhưng cần có quy định chi tiết, rõ ràng, ví dụ một mũi tiêm định mức bao nhiêu, để địa phương có thể nhanh chóng triển khai và bảo hiểm có cơ sở để thanh toán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ