Những con số biết nói

GD&TĐ - Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học là xu thế tất yếu của cơ sở giáo dục đại học. Đây được coi là giải pháp quan trọng để bắt kịp với xu thế đào tạo của các trường ĐH uy tín trên thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, một trường ĐH hiện đại, chất lượng cao phải là nơi giao thoa của 3 chức năng: Đào tạo - Nghiên cứu khoa học (NCKH) - Phục vụ xã hội.

Trong đó, NCKH có tính chất quyết định tới chất lượng của hai chức năng còn lại và chất lượng chung của nhà trường. Ở mức độ cao hơn, các công bố khoa học quốc tế còn thể hiện năng lực khoa học cũng như năng suất NCKH của từng cá nhân, cơ sở đào tạo, thậm chí là của quốc gia.

Điều đáng mừng, các bài báo quốc tế ngày càng tăng qua các năm. Cụ thể, theo Cơ sở dữ liệu Elsvier: Năm 2018, Việt Nam có hơn 8.700 bài; đến năm 2019, con số này lên đến trên 12.500 bài; đặc biệt năm 2020 (tính đến ngày 10/12) có 17.000 bài báo quốc tế trong danh mục Scopus (đã bao gồm ISI). Trong đó, số công trình công bố của cơ sở giáo dục đại học qua các năm chiếm từ hơn 94% trở lên so với cả nước.

Đặc biệt, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục ISI, SCI, SCIE là sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ của đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT tăng đáng kể trong những năm qua (trung bình 25%/năm).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT có công trình nghiên cứu nổi bật được tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu; nhiều kết quả nghiên cứu  được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

Đó là những con số biết nói, minh chứng cho hoạt động KH&CN nói chung và NCKH nói riêng trong các cơ sở giáo dục đại học ngày càng hiệu quả; thể hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy NCKH phù hợp thực tiễn; trong đó có cơ chế tự chủ đại học, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học.

Điểm nhấn của cơ chế chính sách là quy định về tự chủ đại học được triển khai quyết liệt từ Bộ tới các cơ sở. Cùng với đó là việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó KH&CN được coi là một phần của tự chủ về học thuật được dự thảo ở mức tự chủ cao nhất, với nhiều quy định mang tính đột phá.

Có thể nói, hoạt động KH&CN của các trường đại học được đặt trong mối quan hệ mật thiết với hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo sau đại học. Ngoài ra, nghiên cứu về khoa học giáo dục là hướng nghiên cứu cơ bản, quan trọng trong các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ GD&ĐT; qua đó  phục vụ cho công tác quản lý và phát triển của  ngành.

Trên tinh thần ấy, hoạt động NCKH đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ