Mổ xẻ câu chuyện cứu trợ

GD&TĐ - Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập hình ảnh về các đoàn cứu trợ tiếp cận nhiều vùng bị ngập nặng để phát quà cho người dân.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cạnh đó là lời kêu gọi của nhiều tổ chức thiện nguyện và từng cá nhân nhờ cộng đồng đóng góp tiền, lương thực, thực phẩm cũng như vật dụng thiết yếu cho người dân vùng lũ. Việc làm tự phát này gần như ngoài tầm kiểm soát của nhà chức trách. Bên cạnh sự xả thân vì đồng bào gặp hoạn nạn của các tổ chức, cá nhân, đây đó đã xuất hiện những kẻ trục lợi qua việc quyên góp này. Có lẽ đó là lý do để Thủ tướng Chính phủ ra văn bản yêu cầu chính quyền và các tổ chức tăng cường giám sát việc hỗ trợ vùng lũ đồng thời xử lý nghiêm những kẻ trục lợi trong vấn đề này.

Vì sao làm điều tốt mà vẫn bị “kiểm soát”? Điều này có làm tổn thương đến những tấm lòng thiện nguyện trước những khó khăn của đồng bào vùng lũ không? Cần mổ xẻ câu chuyện cứu trợ dưới nhiều góc độ để có cái nhìn khách quan trong việc hành xử, cụ thể là việc giám sát của chính quyền trong công tác cứu trợ.

Một vấn đề thường lặp đi lặp lại trong việc cứu trợ là “gặp đâu phát quà đó” của một số tổ chức mỗi khi đi cứu trợ đồng bào vùng lũ mà không phải thông qua chính quyền địa phương nơi đến. Đây là điều cần chấn chỉnh vì hơn ai hết, chính quyền là người sát dân và hiểu được từng hoàn cảnh cần giúp đỡ, mức độ giúp đỡ cho mỗi trường hợp như thế nào. Tâm lý của không ít đoàn cứu trợ là muốn “giải phóng hàng” cho nhanh để còn kịp “tua” vòng khác, nên hễ thấy vùng nào có vẻ “thảm thương” là trút cho hết hàng hoặc tiền.

Nếu những vùng “thảm thương” ấy ở ngay cạnh các trục lộ, thuận tiện cho việc đi lại thì càng được các đoàn cứu trợ “quan tâm”. Những người này đâu biết, có nhiều vùng, mỗi ngày có đến cả chục đoàn “ghé thăm phát quà”, trong khi rất nhiều vùng khác, do không thuận lợi cho việc đi lại của các đoàn nên không nhận được phần quà nào. Thêm nữa, thường thì những phần quà ban đầu, dù rất quý nhưng giá trị không bao nhiêu, mang tính chất “phủi nóng” là chính. Nếu đoàn cứu trợ ấy mà không thông qua địa phương, chỉ nghe người dân phản ánh là chỗ đó nhận rồi, không phát quà nữa thì vô hình trung, sự giúp đỡ đã có sự phân biệt người ít kẻ nhiều.

Ở một góc nhìn khác, chính quyền cũng nên chia sẻ với các đoàn cứu trợ, vì sao họ lại không thông qua mình. Vì rằng, không ít trường hợp, quà đã không đến tay người cần giúp mà lại đến chỗ không bị hoặc ít bị thiệt hại, thậm chí quà cứu trợ còn bị xà xẻo hoặc chỉ “hỗ trợ người nhà” của cán bộ cơ sở. Điều đáng nói khi niềm tin của người đi tặng quà bị tổn thương thì việc thông qua chính quyền sẽ không bao giờ tái diễn nữa.

Vậy làm thế nào để hài hòa giữa việc tặng quà vẫn đúng địa chỉ mà chính quyền không “can thiệp sâu” được? Điều này đòi hỏi kinh nghiệm của các tổ chức đi tặng quà. Chính quyền giám sát việc tặng quà có thể được hiểu là giám sát hình thức, nghĩa là chỉ dẫn đúng địa chỉ cần giúp để không bị “nhầm” khi trao quà như các trường hợp kể trên đây chứ không có nghĩa là giao hết tiền và quà cho chính quyền để họ tự phân chia cho dân. Cần hiểu đúng và cần làm đúng như thế để cả chính quyền, người tặng quà và người nhận quà không còn phải lăn tăn điều gì nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ