Liêm chính và học thuật

GD&TĐ - Liêm chính trong học thuật luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong cộng đồng khoa học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong bất kỳ cơ sở học thuật nào, ở bất cứ đâu, liêm chính học thuật đều rất được coi trọng. Không chỉ dừng lại ở đạo đức khoa học, thực hiện điều này còn là nền tảng để khám phá, sáng tạo ra tri thức mới – ý nghĩa sống còn của nghiên cứu khoa học.

Biết rõ điều này, nhưng với nhiều lý do khác nhau, vi phạm liêm chính học thuật vẫn diễn ra trên khắp thế giới, chỉ khác nhau ở mức độ, kể cả ở nước quy định rất nghiêm ngặt. Câu chuyện điển hình là bê bối đạo văn của Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu tại CHLB Đức Annete Schavan năm 2013. Vì hành vi này, bà đã bị thu hồi bằng tiến sĩ và ngay lập tức phải từ chức Bộ trưởng.

PGS.TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật) trong một bài viết đã dẫn kết quả khảo sát do cố Giáo sư Donald McCabe và ICAI thực hiện trong vòng 12 năm (từ 2002 - 2015) ở hàng trăm trường THPT và ĐH tại Hoa Kỳ. Theo khảo sát này, có đến 68% số sinh viên ĐH, 43% học viên cao học, nghiên cứu sinh; 95% học sinh THPT được khảo sát thừa nhận đã từng có hành vi gian lận trong học tập. 

Tại Việt Nam, vấn đề liêm chính học thuật được nói nhiều trong những năm gần đây, nhất là khi công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục ĐH gia tăng nhanh. Phải khẳng định, việc tăng cả số lượng, chất lượng các bài báo quốc tế đã góp phần không nhỏ làm tăng vị thế, thứ hạng của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam trong khu vực và trên giới, dần hình thành một số trường ĐH định hướng nghiên cứu có thứ hạng cao trong khu vực. Đây cũng là xu thế tất yếu để phát triển và hội nhập. Trong dòng chảy này, không tránh khỏi có những “con sâu làm rầu nồi canh”, từ đó đặt ra vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc thực hiện liêm chính học thuật trong cộng đồng khoa học.

Tại Việt Nam, nhiều trường ĐH đã tìm cách “tự cứu mình” bằng việc xây dựng nên những bộ quy tắc nhằm xóa bỏ, hạn chế thấp nhất các hành vi gian lận nhằm giữ vững uy tín và củng cố niềm tin của xã hội. Dù có thể khác nhau về tên gọi, nhưng quy định mà các cơ sở giáo dục ĐH đặt ra liên quan đến nội dung này đều cấm các hành vi thiếu liêm chính học thuật và đưa ra những biện pháp xử lý vi phạm cụ thể, nghiêm khắc.

Đơn cử, trong quyết định ban hành năm 2017 quy định về liêm chính học thuật, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã chỉ rõ hành vi vi phạm liêm chính học thuật là hành vi nhằm đạt lợi ích, lợi thế cho bản thân hoặc cho người khác trong học thuật một cách bất công, bao gồm: Bịa đặt, gian lận, đạo văn, giúp người học khác vi phạm. Kèm với yêu cầu, trách nhiệm các bên trong thực hiện liêm chính học thuật, quy định này cũng đưa ra các hình thức xử lý vi phạm rất cụ thể, chi tiết. Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì thành lập Ủy ban đạo đức khoa học nhằm tư vấn cho nghiên cứu có liên quan đến các chuẩn mực đạo đức, đồng thời giải quyết những vi phạm đạo đức nghiên cứu…

Không chỉ ở cấp trường, về phía Bộ GD&ĐT cũng đang nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, với chế tài đủ mạnh để các nhà khoa học, cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện theo các quy định chuẩn mực nhằm bảo đảm “liêm chính học thuật” khi tham gia nghiên cứu khoa học. 

Đưa ra giải pháp, nhiều nhà khoa học cho rằng, bảo đảm liêm chính học thuât trước hết cần được thực hiện nghiêm ngặt từ chính các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo, cũng như các cơ sở xuất bản ấn phẩm khoa học. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học, trong đó công khai mọi công trình nghiên cứu để mọi người có thể dễ dàng truy cập, tra cứu cũng là giải pháp được đưa ra. Bên cạnh cần hành lang pháp lý đầy đủ hơn, chế tài mạnh hơn, thực hiện liêm chính học thuật cần xuất phát từ ý thức sâu sắc của mỗi cá nhân về đạo đức, danh dự, sứ mệnh của người làm khoa học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ