Kích hoạt phòng chống dịch ở cấp độ cao nhất

GD&TĐ - Sự lơi lỏng trong giám sát, cách ly đã và đang khiến những ca dương tính với Covid-19 tái xuất hiện ở TPHCM.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đặc biệt trong đợt lây nhiễm lần này có 3/4 ca bệnh liên quan đến cơ sở GD-ĐT ở địa phương: 1 tân sinh viên hệ từ xa (ca bệnh số 1.342), 1 giáo viên tiếng Anh (bạn bệnh nhân số 1.342 - ca bệnh 1.347), 1 học viên Trung tâm Anh ngữ ngoài giờ (học viên của bệnh nhân số 1347 - ca bệnh 1.349). 

Tình trạng giáo viên, học viên, sinh viên bị nhiễm Covid-19 đã tác động dây chuyền trong hệ thống trường học. Đến nay, nhiều trường tại TPHCM xác định có học sinh, sinh viên liên quan đến ca bệnh như các Trường Tiểu học Võ Văn Tần, Nguyễn Huệ, Lê Văn Tám, Bình Tiên, lớp 12A4 của Trường THPT Bình Phú (Quận 6), lớp 10A3 của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3), Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11), Trung tâm ngoại ngữ Key English, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Ký túc xá 135B Trần Hưng Đạo - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) … Số lượng học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên, giảng viên theo diện cách ly tập trung, khuyến cáo tạm dừng việc học tập trung, tự cách ly lên đến hàng chục nghìn người. Ngày 3/12, thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm 2.244 người liên quan đến 4 bệnh nhân dương tính với Covid-19, trong đó có hàng trăm học sinh, sinh viên, giáo viên.

Trước diễn biến mới, trên nền tảng phòng chống dịch đã được thiết lập trước đó, các cơ sở giáo dục tại TPHCM  đồng loạt kích hoạt, tăng tốc công tác rà soát, phòng chống. Đơn vị có người liên quan đến ca bệnh đã tạm dừng học tập trung, thực hiện phong tỏa, cách ly tùy theo mức độ tiếp xúc, đồng thời triển khai hàng loạt hình thức tiêu độc, khử trùng ở phòng học và khu vực xung quanh, cũng như tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên trường theo hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM. Công tác khử trùng tiêu độc có nơi thực hiện tăng  cường gấp 10 lần bình thường.

Không chỉ đơn vị có liên quan ca bệnh mới vào cuộc, các cơ sở giáo dục  tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cũng nhanh chóng tăng tốc phòng dịch bằng việc tăng cường tuyên truyền, hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết; Thực hiện nghiêm túc “thông điệp 5K”: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung – khai báo y tế; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học; Kịp thời phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong nhà trường để báo cáo phối hợp với cơ quan y tế…

Song song với việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, ngành Giáo dục cũng chủ động phương án tổ chức dạy học. Những trường ĐH cho sinh viên tạm nghỉ học kịp thời chuyển sang dạy học từ xa, qua mạng như Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh tế TPHCM... Sở GD&ĐT, phòng Giáo dục các quận huyện tại TPHCM cũng nhắc nhở các trường khởi động lại hoạt động dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Nhờ  được tập huấn, sử dụng thành thạo phần mềm dạy học online và rút kinh nghiệm từ đợt dạy online trong năm học trước, đa số học sinh có tài khoản học từ xa, nên các trường, nhất là ở bậc trung học,  khá chủ động khi chuyển hướng dạy học từ xa để ứng phó dịch bệnh.

Diễn biến mới của dịch Covid-19 khá phức tạp, cho thấy mỗi khi dịch lan đến môi trường học đường sẽ tác động lớn đến chừng nào. Những ngày qua, với sự chủ động, linh hoạt, các cơ sở giáo dục đã nhanh chóng kịp thời ứng phó. Tuy vậy, đến nay số lượng sinh viên, học sinh thuộc dạng F1, F2 tại các trường tương đối lớn, lại di chuyển nhiều, đòi hỏi cơ sở giáo dục phải hết sức thận trọng theo dõi, thực hiện chế độ phòng chống dịch kích hoạt ở cấp độ cao nhất. Đồng thời gia đình và các ban ngành chức năng như y tế, viễn thông, công an… cần có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa với ngành Giáo dục. Có như thế, nhà trường mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ kép phòng chống dịch và tổ chức dạy học trong “trạng thái bình thường mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.