Khó ló cái khôn

GD&TĐ - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đúng thời điểm các cơ sở giáo dục trên cả nước chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ II và giai đoạn cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thay vì bị động, trông chờ vào diễn biến của dịch bệnh, một số địa phương đã chủ động, linh hoạt xây dựng phương án kiểm tra cuối học kỳ II và tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến.

Còn nhớ, ngay khi đại dịch Covid-19 quay trở lại, toàn ngành Giáo dục đã chủ động ứng phó, nhanh chóng lập các phương án dạy – học, trong đó có phương thức dạy – học trực tuyến, để việc học của học sinh không bị gián đoạn.

Có thể ở thời điểm hiện tại, hình thức này là giải pháp tối ưu nhằm giúp học sinh biết được mình đang ở “ngưỡng nào” để có sự chuẩn bị tốt hơn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nhưng nếu xét ở tầm nhìn trung hạn và dài hạn, đây là bước tập dượt ý nghĩa để tiến tới một kỳ thi được tổ chức trên máy. Rộng hơn, là bước đệm để các trường có thêm niềm tin và quyết tâm chuyển đổi số trong giáo dục.

Chẳng nói đâu xa, ngay trong năm nay, một số cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh bằng việc tổ chức kỳ thi riêng, trong đó có áp dụng hình thức thi trên máy tính. Thế mới thấy, “trong cái khó, ló cái khôn”, bởi việc một số địa phương, nhà trường áp dụng thi thử tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến là sự sáng tạo, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với thực tiễn khách quan. Điều đó phần nào cho thấy, nhà trường, giáo viên và học sinh hoàn toàn có thể đáp ứng một kịch bản tổ chức thi trên máy tính.

Đưa công nghệ vào thi cử đã được các chuyên gia nhắc đến từ lâu và khẳng định, là việc phải làm trong tương lai. Vấn đề đặt ra, chúng ta cần có lộ trình, với những bước đi thận trọng và áp dụng trên quy mô nhỏ để đánh giá tác động; từ đó mới tính đến việc nhân rộng.

Trở lại với công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, rõ ràng đây không phải là vấn đề mà chúng ta có thể nói và làm trong “một sớm, một chiều”; việc quan trọng trước mắt là xây dựng và phát triển kho học liệu số. Đáng mừng là Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai việc này.

Ngoài ra, cần có nền tảng công nghệ số thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.

Tin rằng, những gì mà ngành Giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng đã, đang triển khai là bước “chạy đà” quan trọng để toàn ngành có thể thực hiện thành công chuyển đổi số.

Hoạt động dạy học trực tuyến, theo quy định trong Thông tư của Bộ GD&ĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.

Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó. Dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề này.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

Tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên thực hiện các hoạt động chính như: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ