Hứa hẹn những đột phá

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký quyết định phê duyệt đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với đề án này, lần đầu tiên mô hình đại học chia sẻ được xác nhận “hình hài” trong một quyết sách ở cấp tỉnh/thành.

Đại học chia sẻ không phải là khái niệm xa lạ ở các trường đại học tiên tiến trên thế giới, khi nền kinh tế chia sẻ phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Tại Việt Nam, một số trường đại học đã khởi động mô hình này thông qua các hoạt động nhóm. Tháng 10/2018, tại hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối ngành sư phạm ở TPHCM vấn đề chia sẻ nguồn lực và công nhận chương trình đào tạo giữa các đơn vị khối này được đưa ra bàn thảo.

Tiếp đó, tháng 8/2020, lần đầu tiên Trường ĐH Kiên Giang và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp tuyển sinh, đào tạo đại học sẻ chia trình độ đại học chính quy chương trình chuyển tiếp 2 giai đoạn (chương trình 2+2). Gần đây nhất, tháng 1/2021, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, 7 trường đại học kỹ thuật đã ký kết biên bản hợp tác toàn diện trong đó có nhiều nội dung liên quan đến chia sẻ nguồn lực, chương trình đào tạo…

Mô hình đại học chia sẻ mang lại nhiều giá trị. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng –nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, giáo dục sẻ chia giúp giảm chi phí đào tạo, tiến tới giảm học phí, giúp sinh viên tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian đi lại, dành thời gian trải nghiệm thực tế, đi làm thêm trang trải cuộc sống… Hơn nữa, việc sẻ chia nguồn lực trong giáo dục giúp các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học mới sửa đổi. Công nghệ thông tin tiên tiến cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà sinh viên tích lũy một cách dễ dàng.

Lợi ích của đại học chia sẻ đã được minh chứng. Việc các trường đại học có khởi động bước đầu, cùng với quyết sách lớn của TPHCM về mô hình này hứa hẹn mang lại nhiều đột phá trong đào tạo nhân lực hướng đến hội nhập.

Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn để có thể phát triển rộng rãi đại học chia sẻ. Luật Giáo dục đại học đề cao tính tự chủ của cơ sở đại học đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc xây dựng mô hình đại học chia sẻ, thế nhưng cơ chế, chính sách cụ thể cho mô hình này vẫn chưa được xây dựng.

Chỉ tính riêng lĩnh vực chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học đã bộc lộ bất cập như hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin không đồng đều, không theo chuẩn chung về phần cứng, phần mềm... Với công tác tuyển sinh tồn tại nhiều vấn đề hơn khi hướng tới việc công nhận chương trình đào tạo của nhau trong bối cảnh chuẩn đầu vào khác nhau, cơ chế học phí giữa các trường cũng khác…

Trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hoá giáo dục đại học sâu rộng hiện nay, việc các trường đại học cùng nhau chia sẻ nguồn lực, kết nối, công nhận chương trình, tín chỉ lẫn nhau là cần thiết. Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành mô hình quản trị đại học chia sẻ phù hợp, vì thế, đang là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.