Giáo dục bằng tình thương

GD&TĐ - Dạy học là một nghề, nghề của tình thương. Khi trái tim người thầy được sưởi ấm bằng năng lực chuyên môn, nghệ thuật sư phạm tươi mới sẽ cho họ phương pháp giáo dục hợp lý, đạt được mục đích giáo dục tốt nhất.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Rất nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy, trừng phạt thể xác hay tinh thần theo kiểu xỉ nhục học sinh sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới quá trình và kết quả học tập của trẻ. Không những các em không thích đi học và bỏ học mà còn có thể có những hành động tiêu cực, dại dột như hủy hoại bản thân.

Những học sinh bị nhà trường, gia đình kỷ luật không hợp lý thường để lại vết thương lòng trong suốt thời kỳ học đường, có khi còn theo đuổi suốt cuộc đời.

Việc phân biệt giữa vấn đề kỷ luật trong trường học và cách nhà trường giải quyết chúng như thế nào là vô cùng quan trọng. Những người có quan điểm chống lại việc nghiêm cấm trừng phạt học sinh bằng bạo lực (thân thể và tinh thần) có xu hướng viện ra những hành vi cụ thể của trẻ để bảo vệ sự cần thiết phải có hình thức trừng phạt các em. Tuy nhiên, không được và không nhất thiết phải có những phản ứng bạo lực để đáp trả hành vi, được coi là vi phạm đạo đức hay phạm vào nội quy nhà trường của học sinh.

Xử lý kỷ luật học sinh không có nghĩa là nhằm mục đích trừng phạt mà phải coi là cơ hội giáo dục bản thân học sinh vi phạm, cũng như cho cả tất cả các học sinh khác. Nếu chỉ quan tâm học sinh sai đến đâu để xử phạt một cách tương ứng là cách thiếu tính giáo dục, thiếu tính nhân văn. Người thầy hãy đậm lòng trắc ẩn với trẻ để dạy trẻ.

Trong mọi trường hợp xử lý kỷ luật học sinh, thì kỷ luật tích cực trong trường học là một cứu cánh, là lựa chọn tối ưu. Học sinh nói những câu nói “thiếu văn hóa”, giáo viên yêu cầu em đó nói lại theo ứng xử của người văn minh; nếu là cái sai lớn, có thể “trừng phạt” bằng cách đọc một cuốn sách và sau đó viết thu hoạch theo yêu cầu của giáo viên, hoặc là phải học thuộc lòng một nhóm các công thức toán học. Dùng tư duy tích cực trong giáo dục để “trừng phạt” lời nói và hành vi tiêu cực của học sinh.

Tuy nhiên, cách xử lý trên cần mang tính riêng tư giữa giáo viên và học sinh vi phạm và cần cấm không được “bêu tên” học sinh trước số đông. Nói chung, không thể công khai trước lớp, trước trường như tuyên dương những cá nhân là người tốt hay có việc tốt.

Ở một số trường do hiểu sâu sắc kỷ luật tích cực học sinh nên đã có những quy định thành văn và rất nhân văn như: không nói áp dụng hình thức trừng phạt học sinh mà thay bằng áp dụng “hậu quả hợp lý”; hay những điều học sinh vi phạm được thay bằng “những điều không mong đợi”.

Trở lại câu chuyện một nữ sinh đã tự tử không thành xảy ra ở một trường THPT của An Giang. Trước hết, Hiệu trưởng phải là người trực tiếp và chịu trách nhiệm lớn cho hậu quả của việc làm thiếu tính giáo dục và không đúng quy định của Điều lệ nhà trường. Đây là bài học sâu sắc cho các nhà trường khi tiến hành xử lý kỷ luật học sinh.

Thực tế hiện nay, hầu hết các nhà trường còn để xảy ra những sự việc đáng tiếc, không mong muốn khi phải xử lý kỷ luật học sinh là do chưa đặt lợi ích của trẻ lên trên hết, chưa nắm vững các quyền và bảo vệ quyền cho trẻ; chưa biết phân biệt “kỷ luật và trừng phạt” hay hiểu thế nào là “tôn trọng và sợ hãi”.

 Chính vì vậy, thiết nghĩ đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học hạnh phúc một cách rộng rãi và thực chất sẽ là giải pháp thích hợp cho việc chấm dứt những nổi cộm thuộc phạm trù tinh thần trong giáo dục hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ