Đừng như thầy bói xem voi

GD&TĐ - Vấn đề chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên (GV) cần được hiểu trong một hệ thống tổng thể chung của ngành cũng như viên chức các ngành, lĩnh vực khác; nếu không sẽ chỉ như thầy bói xem voi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Luật Viên chức định nghĩa: Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền quy định. CDNN là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, trong phân cấp về quản lý Nhà nước hiện nay, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số CDNN. 

Thực hiện thẩm quyền được giao, năm 2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BNV quy định về CDNN và thay đổi CDNN đối với viên chức. Trong đó, Bộ Nội vụ quy định rõ kết cấu chung của mỗi CDNN bao gồm: Tên và hạng của CDNN; nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Cho đến nay, dù Luật Viên chức được sửa đổi và một số văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ đã thay thế bằng các văn bản khác, nhưng về cơ bản quy định về kết cấu của tiêu chuẩn CDNN viên chức không thay đổi.

Như vậy, tiêu chuẩn CDNN GV được quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT hoàn toàn đúng quy định theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa đội ngũ viên chức ngành Giáo dục theo các quy định của Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn luật được thực hiện từ năm 2010 khi Luật Viên chức được ban hành.

Trong khi đó, một số quy định về quản lý viên chức của ngành Giáo dục đã tồn tại từ trước đó tại các văn bản khác, như: Quy định về đạo đức nhà giáo hoặc quy định về nhiệm vụ giáo viên, yêu cầu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, khi xây dựng các quy định về tiêu chuẩn CDNN GV, không phải tất cả nội dung đều được xây dựng mới. Một số nội dung đã có được tích hợp lại để bảo đảm việc thực hiện đồng bộ, thống nhất. Chẳng hạn, trước đó Bộ GD&ĐT có Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo; đạo đức nghề nghiệp trong tiêu chuẩn CDNN GV được quy định thống nhất với Quyết định này.

Cần nói thêm, các hạng CDNN được quy định theo cấp độ tăng dần từ thấp lên cao, trong đó cao nhất là hạng I. Hạng CDNN là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng ngành, lĩnh vực. Do đó, sự phân hạng chức danh cần được hiểu và thực hiện theo cấp độ tăng dần về mức độ ở các tiêu chuẩn, tiêu chí. Hạng càng cao, mức độ yêu cầu với từng tiêu chuẩn, tiêu chí càng lớn. Khi đó, viên chức có sự ghi nhận, khẳng định kèm theo chế độ đãi ngộ tốt. Tuân thủ quy định này, khi xây dựng các tiêu chuẩn CDNN, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, xây dựng quy định các hạng CDNN theo hướng đồng tâm và bậc thang. Trong đó, tiêu chuẩn của hạng thấp nhất được coi là nền tảng; các hạng cao hơn sẽ nâng dần về mức độ và có thể có một số yêu cầu được mở rộng hơn. 

Với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, không có sự khác nhau hoặc mở rộng về nội hàm tiêu chuẩn với các hạng CDNN. Nghĩa là không có chuyện đạo đức của các hạng khác nhau, mà là khác nhau về mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức với từng hạng. Theo đó, hạng nền tảng được quy định phải bảo đảm đủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp. Hạng cao hơn hoặc cao nhất được quy định phải có các mức độ đáp ứng cao hơn theo logic từ đáp ứng đủ (hạng III) đến gương mẫu thực hiện (hạng II) và cao nhất là lan tỏa, có tác động, chủ động hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện (hạng I).

Vấn đề về CDNN GV cần được hiểu trong một hệ thống tổng thể chung của ngành cũng như của viên chức các ngành và lĩnh vực khác. Không thể đem riêng một tiêu chuẩn, hay một hạng nào ra để đánh giá, sẽ thiếu đi sự công bằng và khách quan cần thiết. Xem xét như vậy khác nào thầy bói xem voi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ