Đổi mới và trái ngọt

GD&TĐ - Thành tích của HS Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế là điểm nhấn làm nên một năm đặc biệt của ngành Giáo dục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những tháng đầu năm 2020, cả thế giới chìm trong nỗi sợ mang tên Covid-19. Mọi hoạt động bị ngưng trệ trong thời gian giãn cách xã hội. Trong hoàn cảnh này, việc HS dừng đến trường, các cuộc thi bị ngừng lại, giáo dục có bị ngưng trệ cũng là lẽ thường tình.

Vậy mà mọi thứ đã không theo “lẽ thường tình” như thế. Toàn ngành chiếm đến 1/4 dân số cả nước an toàn trước dịch bệnh, nhưng hoạt động dạy học vẫn sôi động với những hình thức sáng tạo, linh hoạt; Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn diễn ra thành công; HS Việt Nam không đánh mất cơ hội được thi tài cùng bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh chung, kỳ thi Olympic trong năm 2020 cũng diễn ra hết sức đặc biệt: Thi trực tuyến. Thí sinh dự thi được quản lý, theo dõi trực tuyến qua hệ thống camera. Và dù Covid-19 có làm ảnh hưởng đến việc ôn tập, cũng như tâm lý, 100% HS Việt Nam tham gia đều có giải, các đoàn tham dự đều có thí sinh đoạt Huy chương Vàng. Đặc biệt, lần đầu tiên, một HS lớp 10 giành Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế. Đó là kết quả xuất sắc, đáng tự hào.

Không chỉ năm 2020, nhìn cả giai đoạn 2016 - 2020, thành tích các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế, khu vực đều có điểm nhấn, liên tục chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Ghi dấu ấn đặc biệt nhất là năm 2017: 34/37 lượt HS thuộc 7 đội tuyển đoạt giải - đạt thành tích cao nhất so với các năm trước đó - với 14 Huy chương Vàng. 

Thành tích xuất sắc mà các HSSV ưu tú đạt được là từ nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò trong quá trình đổi mới hoạt động dạy, học ở các nhà trường. Đây cũng là kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cho thấy Bộ GD&ĐT đã xác định đúng hướng đi trên lộ trình đổi mới; là kết quả sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của gia đình và xã hội với sự nghiệp GD-ĐT. 

Tại lễ tuyên dương HS THPT đoạt giải Olympic quốc tế năm 2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận thành tích trên đấu trường trí tuệ quốc tế của Việt Nam có dấu ấn quan trọng của kết quả đổi mới ngành Giáo dục trong tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển quốc gia tham gia Olympic khu vực, quốc tế theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Những thành tích này  góp phần làm rạng danh đất nước và dân tộc, minh chứng thêm người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh để phát triển và trường tồn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng trong mọi lĩnh vực, việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là vô cùng quan trọng. Thành tích của những HS Việt Nam ưu tú đã làm vững thêm vị thế này; góp phần khẳng định chất lượng nền giáo dục nước nhà ngày càng nâng cao, từng bước hòa nhập với giáo dục các nước tiên tiến trên thế giới. 

Giữ vững được thành quả này cần sự nỗ lực không ngừng. Bởi vậy, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là vô cùng quan trọng. Trong đó, chú trọng giáo dục toàn diện, đại trà, song hành triển khai hiệu quả Đề án trường THPT chuyên, làm cơ sở phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu, kích thích ý chí vươn lên chiếm lĩnh thành tích đỉnh cao.

Tiếp tục đổi mới tổ chức thi chọn HS giỏi, chọn đúng HSSV thực sự có năng khiếu; tăng cường huy động giáo viên giỏi, giảng viên ĐH, chuyên gia, nghiên cứu viên... tham gia tuyển chọn, bồi dưỡng HS giỏi. Tạo động lực bằng cách tiếp tục duy trì, bổ sung các chính sách với HS giỏi. Đẩy mạnh truyền thông, xã hội hóa giáo dục để thu hút sự quan tâm, chăm lo chu đáo, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp... với HSSV tiêu biểu, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nhiều công lao đóng góp trong giáo dục, rèn luyện HSSV. 

Việc thành lập Quỹ tài năng Việt Nam, hình thành mạng lưới kết nối HSSV đoạt giải Olympic khu vực, quốc tế, thi khoa học kỹ thuật quốc tế, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các HSSV có năng lực, phẩm chất xuất sắc cũng cần được cân nhắc. Cách làm này sẽ huy động hiệu quả tài năng, tâm huyết, trí tuệ của HSSV tiêu biểu nhiều thế hệ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi nói riêng và sự phát triển của GD-ĐT, kinh tế - xã hội đất nước nói chung. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.