Chuyển động tích cực

GD&TĐ - Năm học tới, ngành Giáo dục TPHCM sẽ triển khai thí điểm giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) trong chương trình chính khóa ở bậc THCS và THPT.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, địa phương sẽ chọn 5 trường THPT và mỗi quận, huyện chọn một trường THCS, nội dung AI sẽ được lồng ghép vào môn Tin học của chương trình. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ bổ sung bằng hoạt động của câu lạc bộ, ngoại khóa, các hội thi có liên quan như: Nghiên cứu khoa học, hội thi Lego, robotics... Ngoài những trường được chọn thí điểm, trường khác vẫn có thể giảng dạy AI thông qua chương trình nhà trường.

AI là công nghệ quan trọng nhất mà bất cứ ai trên hành tinh này đều đang sử dụng. Các nước trên thế giới cũng đang cạnh tranh hết sức mạnh mẽ để trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này, vì thế, cho học sinh sớm tiếp cận với AI là xu hướng. Ở một số nước, AI được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông như một môn học. Chẳng hạn từ học kỳ II năm học 2021, 2 môn Giáo dục nghề nghiệp gồm nhập môn AI và toán AI được dạy trong các trường THPT ở Hàn Quốc. Còn cấp tiểu học, THCS sẽ được học các môn AI lập trình, sử dụng AI, đạo lý AI từ cuối năm 2025. Trẻ mầm non Hàn Quốc cũng được tiếp xúc với AI thông qua các trò chơi.

Thời gian gần đây, AI đã đến với học sinh Việt Nam qua chương trình nhà trường hoặc hình thức câu lạc bộ, khóa kỹ năng. Tại Hà Nội, ITPlus Academy phối hợp cùng Viện Trí tuệ Nhân tạo đã thiết kế khóa học AI for Kids cho học sinh. Cung thiếu nhi Hà Nội cũng là địa chỉ đỏ được các bạn trẻ mê AI lui tới luyện rèn. Năm 2021, đội tuyển Tin học của Cung xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Hội thi Công nghệ thông tin Thiếu nhi ASEAN với chủ đề AI.

Tại TPHCM, từ học kỳ I năm học 2019 - 2020, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã triển khai giảng dạy AI cho học sinh các lớp chuyên khối 10, 11 và 12. Học sinh được học về kỹ năng lập mô hình toán cho các vấn đề thực tế; nền tảng về toán cho AI; kỹ năng lập trình bậc cao; kỹ năng sáng tạo trong việc sử dụng AI như công cụ bổ trợ... Đặc biệt, từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhiều địa phương, trường học đã dành sự quan tâm trong việc cho học sinh làm quen với AI.

Đưa AI vào giảng dạy cho học sinh được xem là một chuyển động tích cực, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; đưa công nghệ này trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, phát triển đất nước. Tuy vậy, để giảng dạy AI trong chương trình chính khóa thực tế còn đối diện rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là vấn đề đội ngũ và trang thiết bị giảng dạy.

Hiện giáo viên tin học và vật lý các trường là những hạt nhân nòng cốt có thể phát triển để giảng dạy AI, nhưng để có thể đứng lớp rất cần bồi dưỡng chuyên sâu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học máy, thị giác máy tính; cách thức lồng ghép các thông tin liên quan đến Al vào bài dạy. Có điều kiện như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) nhưng khi triển khai cũng nhiều gian nan. Nhà trường phải nhờ cựu học sinh là chuyên gia về AI hỗ trợ thiết kế chương trình và kế hoạch giảng dạy.

Chi phí cho đầu tư máy móc phục vụ  việc giảng dạy AI trong nhà trường cũng rất lớn. Dù phòng tin học các trường đã có sẵn, nhưng để dạy học AI, rất cần phòng học thông minh, đa chức năng, robot, mạch điều khiển, máy tính tự động hóa…  Không phải trường học nào cũng có khả năng tài chính để đầu tư các loại này nên hiện đa phần các trường vẫn chủ động tìm kiếm sự phối hợp hỗ trợ từ bên ngoài.

Khởi động thí điểm dạy AI trong nhà trường là tín hiệu vui của giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0. Thế nhưng, để thí điểm thành công, đi đến nhân rộng, bên cạnh sự nỗ lực của các nhà trường trong việc tận dụng, thực hiện xã hội hóa, rất cần một chính sách vĩ mô về huấn luyện đội ngũ cũng như cơ sở vật chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ