Cho một mùa xuân bình yên

GD&TĐ - Tuần qua, dịch Covid-19 bất ngờ tái trở lại trong cộng đồng. Đợt lây nhiễm lần thứ ba này có số ca mắc lớn nhất, số tỉnh thành bị tác động nhiều nhất.

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố mới đây về tình hình dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh nên chúng ta phải có những biện pháp đi trước virus này. Để chung tay cùng Chính phủ nhanh chóng dập dịch, ngành Giáo dục cả nước không chỉ khẩn cấp kích hoạt lại hệ thống phòng dịch Covid-19 mà còn chủ động đẩy nhanh các hoạt động phòng dịch với  tốc độ cao nhất. 

Những ngày qua, các trường học trên cả nước đã đẩy sớm lịch xịt khử khuẩn trường học định kỳ, tăng nồng độ sát khuẩn, thực hiện nghiêm túc quy định 5K; chủ động và quyết liệt trong việc quyết định nghỉ học hay học tập trực tuyến để phòng dịch. Tính đến nay, con số trường học bị phong tỏa do Covid-19 dường như chưa dừng lại. Mới đây, Trường ĐH FPT quyết định phong tỏa cơ sở tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội; Trường ĐH Thủ Dầu Một nơi có 16 nghìn sinh viên cũng được lệnh đóng cửa vì có sinh viên nghi nhiễm Covid-19… Nhiều tỉnh thành có người nhiễm Covid-19 đã cho học sinh, sinh viên dừng đến trường từ ngày 28 và 29/1 như Quảng Ninh, Hải Dương, từ 1/2 như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... và hôm nay đến lượt TPHCM chuyển sang học trực tuyến. Nhiều hoạt động trải nghiệm, hội trại xuân, công tác xã hội… thường niên, mặc dù được chuẩn bị công phu, nhưng vì an toàn, thầy trò ở các địa phương đều đồng lòng gác lại.  

Đáng chú ý, lần đầu tiên, do ảnh hưởng trực tiếp bởi ca nhiễm, các lớp học có học sinh thuộc diện F1 phải đi cách ly tập thể. Hình ảnh học sinh Trường Tiểu học Lê Ninh thuộc xã Lê Ninh, Trường Tiểu học Hiến Thành thuộc xã Hiến Thành của thị xã Kinh Môn (Hải Dương), Trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khăn gói theo thầy cô, người chăm sóc vào trung tâm cách ly, xa gia đình suốt mùa Tết đã gây nhiều xúc cảm cho cộng đồng. Để động viên, chăm sóc các em, nhiều phụ huynh cũng tình nguyện đăng ký đi cách ly cùng. Tại các trường ĐH ở TPHCM, thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo trường về phòng dịch, nhiều sinh viên cũng quyết định không quê về ăn Tết, nhất là các em có quê đang là điểm nóng về dịch bệnh…

Mùa Tết là mùa gặp gỡ, đoàn viên của sinh viên, giáo viên xa nhà. Sau một học kỳ căng thẳng, mùa Tết cũng là mùa học sinh phổ thông, mầm non háo hức đón chờ tham gia  hoạt động cộng đồng, thư giãn, giao lưu… Việc phải tạm ngưng các hoạt động tập thể đã dày công chuẩn bị, thậm chí chấp nhận không về quê ăn Tết hay vào trại cách ly… thật không mấy dễ chịu. Thế nhưng những ngày qua, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên ai cũng sẵn sàng tinh thần chấp hành và nghiêm túc thực hiện. Vất vả hơn, hy sinh nhiều hơn, nhưng mỗi người đều hiểu rõ, trên hết phải là sự an toàn cho  mình, cộng đồng, cho một mùa xuân bình yên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.