(GD&TĐ) - Mới đây bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch đã phát biểu với báo chí rằng: “Cũng nên giáo dục một quan điểm ngay từ đầu, anh đã làm công chức thì hãy xác định là phục vụ cho nhân dân, đừng bao giờ anh mơ tưởng đến làm giàu. Muốn làm giàu thì hãy ra khu vực tư nhân mà làm. Làm quan chức mà để mong giàu có thì phải trị ngay cái tư tưởng đó”.
Ý kiến này của vị đại biểu Quốc hội, nhìn từ góc độ của một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp là rất chính xác và nói một cách dân dã là rất chí lý, nhưng nó sẽ thuyết phục hơn khi người công chức, viên chức của chúng ta có đồng lương đủ sống không phải vướng bận gì về chuyện “cơm áo gạo tiền”, tập trung dồn hết tâm sức để cống hiến, để phục vụ bộ máy mà mình được tuyển chọn, sử dụng, chứ không phải sống với đồng lương khiêm tốn, để rồi phải tranh thủ kiếm tiền lo cho gia đình, con cái, một tình trạng khá phổ biến hiện nay.
Về vai trò là nhân tố cấu thành bộ máy nhà nước, trách nhiệm của công chức là nặng nề, sự chuyên nghiệp, trong sạch của họ là nền tảng của một bộ máy nhà nước vững mạnh.
Chính vì vậy mà trong chủ trương cải cách hành chính, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ công chức luôn luôn được đề cập.
Trong sự đan xen, mâu thuẫn giữa bản chất của công chức mà một bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh cần với những nhu cầu rất đời thường của mỗi con người để làm được một công chức đúng nghĩa quả là không dễ.
Sự cám dỗ, sức hấp dẫn của đồng tiền và bên kia là đồng lương ít ỏi của công chức, viên chức, quả là một ranh giới khá mỏng manh. Với mặt bằng đồng lương như hiện nay, thì thu nhập của công chức quả là khiêm tốn.
Để giữ được mình, để lương tâm không phải cắn rứt vì làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực v.v… là một thử thách luôn đặt ra cho những công chức chân chính.
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là trong điều kiện khó khăn, cần đẩy mạnh tái cơ cấu như hiện nay, đòi hỏi phải có được một bộ máy hành chính năng động, đội ngũ công chức tinh hoa, công tâm. Muốn vậy, bộ máy phải tinh gọn chứ không cồng kềnh, kém hiệu quả như hiện nay.
Cái tỉ lệ 1% hay 30% “công chức cắp ô” đến nay vẫn trong vòng tranh cãi nhưng không khó nhận ra nhiều người mang tiếng là công chức nhà nước nhưng không có nhiều việc để làm.
Họ cứ tà tà sáng đi chiều về, đi trễ về sớm, túc tắc làm việc, lương tháng nhận đều, ung dung, thong thả, đi theo đó là những khoản bổng lộc “hoa rơi” nhận đều đều, mà có khi còn nhiều hơn lương.
Trở lại câu nói của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, muốn làm giàu sao người ta không ra làm ngoài tư nhân mà vẫn có người bằng mọi giá để vào làm công chức!? Phải chăng nơi đó có chỗ để “làm giàu”?!
Một nghịch lý không khó nhận ra về lương công chức và mức sống của họ không tương xứng như vậy mà chúng ta vẫn không đi thẳng vào tìm nguyên nhân, nguồn cội của những nghịch lý đó trong khi vẫn “đẩy mạnh cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, chống tham nhũng, lãng phí” từ hết năm này đến năm khác.
Cứ để tình trạng đó kéo dài mà không đi vào giải quyết căn nguyên của vấn đề thì sẽ tiếp tục tồn tại một bộ phận công chức giàu có nhưng cũng dễ… đi tù vì tham nhũng lúc nào không hay, tạo ra những công chức có lối sống làm giàu bất chấp thủ đoạn khiến băng hoại giá trị đạo đức trong xã hội.
Đó chính là thực tế và tương lai gần rất đáng lo ngại đối với bộ máy nhà nước đang rất cần tinh gọn và trong sạch của chúng ta.
Dân Hùng