Suy giảm lòng tin

Suy giảm lòng tin

Tại Đức, từ lâu, sự có mặt dày đặc của lính Mỹ được xem như biểu tượng về cam kết của Washington để bảo vệ các đồng minh châu Âu. Dường như chưa bao giờ mối quan hệ Mỹ - NATO lại suy giảm như dưới thời ông Trump.

Theo các quan chức Mỹ, ông Trump sẽ cắt giảm khoảng 30% lính Mỹ đang đóng quân tại Đức, tương đương với khoảng 9.700 quân, trong vòng 3 tháng tới. Không có dấu hiệu nào cho thấy các quan chức NATO đã được thông báo về kế hoạch trên. Tính đến 31/3 năm nay, có 34.674 lính Mỹ đồn trú tại Đức. Nếu cắt giảm, tổng số lính Mỹ tại Đức sẽ xuống còn hơn 25.000 người.

Ngoài ra, khoảng 19.000 nhân viên dân sự hỗ trợ cho lực lượng quân sự chuyên nghiệp và số này có lẽ cũng bị cắt giảm.

Phản ứng trước thông tin này, các quan chức Đức và EU cho rằng điều đó là không thể chấp nhận, đáng tiếc, không có các lý do chính đáng, thể hiện quan hệ “phức tạp” giữa hai bên.

Lâu nay đã có nhiều bình luận cho rằng, cam kết của Mỹ với NATO có thể đã lung lay dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông từng gọi NATO là “lỗi thời” và nhiều lần chỉ trích các đồng minh không chi đủ tiền cho quân đội của họ.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nói, sự có mặt gia tăng của Mỹ là một phần các nỗ lực của NATO nhằm củng cố sự phòng vệ trước Nga. Báo chí Mỹ cho rằng, Nga sẽ vui mừng với việc Mỹ rút quân ở châu Âu - sự có mặt mà từ lâu Nga coi như một mối đe dọa. Ông Stoltenberg luôn phản bác thông tin quân Mỹ rời châu Âu. Còn người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Ulyot cuối tuần qua ra tuyên bố không phủ nhận hay khẳng định kế hoạch rút quân khỏi Đức, mà chỉ nói chung chung rằng Mỹ sẽ “tiếp tục cam kết hợp tác với Đức để bảo đảm việc phòng vệ chung và nhiều vấn đề quan trọng khác”.

Song rõ ràng sự rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã trở nên không thể giấu giếm. Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ thường khiến các đồng minh lo ngại vì những hành động đơn phương, không hề tham vấn châu Âu về các quyết định của ông, từ việc bất ngờ rút quân khỏi Bắc Syria, gây khủng hoảng trong khu vực đến hạ sát tướng Iran Soleimani, khiến NATO phải hoãn việc huấn luyện ở Iraq vì sợ quân đồng minh sẽ bị trả đũa sau vụ ám sát; hay mới đây nhất là việc rút tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Vài ngày trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời của Tổng thống Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Washington vào cuối tháng Sáu này với lý do dịch Covid-19. Nhưng các quan chức thạo tin cho biết, bà e ngại rằng các lãnh đạo G7 sẽ bị ông Trump lợi dụng như một cơ hội để cho thấy ông đã tham gia trở lại các vấn đề thế giới.

Thật ra việc ông Trump rút quân khỏi Đức có vẻ không phải sự trả đũa trực tiếp việc bà Merkel không tham gia Hội nghị G7, mà là sự tiếp tục sau khi ông nhiều lần chỉ trích rằng chi tiêu quân sự của Đức quá ít ỏi và Mỹ muốn bắt các đồng minh phải gánh chi phí an ninh lớn hơn.

Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Trump - Merkel chưa bao giờ tốt. Thomas Kleine-Blockhoff, Phó Chủ tịch nhóm nghiên cứu German Marshall Fund đặt tại Berlin, thậm chí còn bình luận rằng, bà Merkel đại diện cho tất cả những gì ông Trump không thích: Từ chủ nghĩa toàn cầu, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế. Nhưng theo các quan chức và các nhà phân tích khác, không chỉ là mối quan hệ cá nhân, có những điều cơ bản hơn đang bị mất đi - đó là lòng tin vào nền tảng chiến lược của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.