Sưu tầm ấm, ướp hương trà Việt

GD&TĐ - Dày công sưu tầm hơn 300 chiếc ấm trà cổ độc đáo, không phải để một ngày được ghi danh Kỷ lục gia, ông Mông Đông Vũ muốn khẳng định thêm văn hóa trà Việt đã được khẳng định hàng trăm năm qua. 

Sưu tầm ấm, ướp hương trà Việt

Và hơn thế, ông là người con của xứ chè Thái Nguyên, luôn đau đáu nỗi niềm muốn thương hiệu ấy ngày càng vang xa. Cả trà và ấm cùng góp phần làm cho hương vị trở nên độc đáo.

Đam mê trà đạo

Bây giờ thì ông Mông Đông Vũ đã có cả một “kho tàng” ở tư gia tại phường Quang Trung - thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tất cả những chiếc ấm pha trà với ông đều là những kỷ vật của văn hóa thưởng trà, đáng trân trọng. “Để sở hữu một khối lượng như thế, tôi phải trả giá nhiều lắm chứ!”, ông Vũ khẳng định.

Vậy nguyên cớ gì khiến ông đam mê sưu tầm, để rồi trả giá và đến giờ không chỉ là người gìn giữ, mà góp phần bảo lưu văn hóa trà đất Thái Nguyên nói riêng và trà Việt nói chung? Bên ấm trà thơm phức, ông Vũ bộc bạch quãng thời gian mình đã dấn thân sưu tầm. Là người nghiên cứu sách vở, đọc nhiều, đặt nền móng cho Đoàn chèo Bắc Thái xưa kia, ông Vũ có thời gian dài nghiên cứu trà đạo.

“Tôi nghiên cứu trà đạo và thậm chí nghiện trà, đến nỗi bất cứ ở đâu có trà quý là tìm đến mua bằng được để thưởng thức. Và, tôi biết, chỉ nghiên cứu thôi chưa đủ mà cần phải sưu tầm những chiếc bình, ấm pha trà để chứng minh thú uống trà nước ta có văn hóa lâu đời. Văn hoá trà nằm trong dòng chảy thời gian của văn hoá dân gian, vì thế hình dáng bình trà thể hiện cho tính cách và giai đoạn lịch sử”, ông Vũ khẳng định.

Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, uống trà là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của nhiều nước trên thế giới. Nhiều nơi uống trà nâng lên thành đạo, thành những ý tưởng triết học sâu xa. Nhưng những ý tưởng độc đáo nhất trong quy trình uống trà là những chiếc ấm pha trà.

Từ những chất liệu như đất nung, sành sứ, đá, đồng, bạc, ngọc, vàng, các thợ thủ công, nghệ nhân từ xa xưa đã tạo nên nhiều vô số kiểu dáng độc đáo. Ông Vũ nhấn mạnh: “Bởi thế mà có ấm Phật, ấm Tứ linh, ấm Tiên, ấm Long Ly Quy Phụng, ấm Tùng Chúc Cúc Mai… mà nước ta có nhiều vùng gốm cổ độc đáo, những nơi cho ra đời ấm trà độc”.

Ngay từ trẻ, người con của vùng ATK Định Hóa đã nhận thức được điều đó, nên đã tìm tòi để hiểu sâu sắc văn hóa trà Việt. Và đó là điều thúc đẩy ông đi tìm những chiếc ấm, bình trà cổ qua nhiều thời kỳ. Cái thuận lợi của ông, là khi còn công tác ở Đoàn chèo Bắc Thái được đi lưu diễn ở khắp nơi.

Qua tiếp xúc với người dân, ông đã thấy họ sở hữu những chiếc ấm pha rất đặc biệt, nhưng nhiều chiếc bị bỏ rơi. Một số vùng khác, người dân thậm chí còn cho không những chiếc đã mất quai, sứt vòi.

Thương ấm, yêu trà, ông đã quyết định phải sưu tầm. Năm 1986, ông đã nâng niu một chiếc ấm bị vứt ngoài gốc chuối ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Người bạn nói, nó chẳng đáng tiền, còn ông mang về kiểm nghiệm, thấy rằng đây là chiếc ấm cổ, chứa đựng những giá trị đặc biệt. May thay, trong dịp đó, ông đã xin được một vài người bạn mấy chiếc ấm mà họ suýt đập bỏ. Càng quan sát ông càng nhận ra, ấm đã chọn mình.

Cái duyên của người chơi

Chẳng lâu sau đó, năm 1988, Đoàn chèo đi lưu diễn tại Vĩnh Phúc, ông Vũ được chiêm ngưỡng chiếc ấm bằng gốm Bạch Định màu trắng ngọc. Người chồng đồng ý bán, nhưng người vợ không. Phải đến khi trở lại lần hai, ông Vũ nói mình mua về không phải để bán kiếm tiền, mà để bảo tồn thì cặp vợ chồng ở huyện Tam Dương mới đồng ý để ông “rước” ấm về.

Một lần khác, ông xuôi xuống Hà Nội, tìm được một người nông dân sở hữu chiếc ấm của làng gốm Bát Tràng, nhưng lại để lẫn với những vại muối dưa trong bếp. Đó là chiếc ấm rồng phượng cổ cao, với những nét hoa văn tinh xảo, họa tiết cầu kỳ và kiểu dáng vô cùng sang trọng.

Ông Vũ nhớ lại: “Thú thật, lúc đó tôi cảm thấy mình đang đứng trước một người con gái đẹp, rất kiêu sa và muốn sở hữu ngay. Thế mà hỏi tiền, gia đình lại bảo biếu không. Đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác sung sướng lúc đó, vì mình sở hữu được vật quý. Nhưng tôi cũng đã gửi lại họ một ít tiền để lấy may”.

Cần mẫn, dấn thân cho công việc sưu tầm, nhưng phải đến năm 2006 trong Festival trà Đà Lạt, ông Vũ mới chính thức công bố kho báu quý hiếm của mình. Lúc này, giới nghiên cứu trà đạo và giới đồ cổ trong và ngoài nước mới được chiêm ngưỡng bộ sưu tập khổng lồ mà một nghệ sĩ chèo có được và thốt lên lời thán phục.

Nhiều chuyên gia nước ngoài tấm tắc khi nghe ông giảng thuyết trà Việt. Hơn 300 chiếc ấm của ông với đủ mọi hình dáng kích thước, mỗi chiếc một vẻ, chẳng chiếc nào giống nhau, xứng đáng với kỷ lục Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu, giới thưởng trà khẳng định vậy.

Ông Hồ Tấn Phan, nhà nghiên cứu văn hóa, người sưu tầm nhiều cổ vật dưới sông Hương từng chia sẻ: “Bộ sưu tầm của ông Vũ độc đáo. Ông ấy cũng là người độc đáo vì đã dấn thân, bỏ tiền để đến giờ sở hữu một khối tài sản văn hóa lớn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.