(GD&TĐ) - Gần đây, có một bức thư (được cho là của tác giả Pierre Antoine - Việt kiều Pháp) với tựa đề “Hãy khoan dung nếu bố mẹ già đi” được truyền đi rất nhanh trên các trang mạng. Bức thư với lời lẽ giản dị, dễ hiểu nhưng rất xúc động, trong đó có những câu: “Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc... Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm! Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu”…
Ảnh minh họa/internet |
Những lời nhắn nhủ của bố mẹ đối với con trong bức tâm thư nói trên có sức lay động trái tim người đọc nhiều lứa tuổi, phải chăng là đi từ những chi tiết chân thực diễn ra trong thực tế đời sống, chứ không phải là những lời lẽ giáo điều, giáo lý. Từ đây, buộc ta phải suy nghĩ về một con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất trong giáo dục tình cảm gia đình.
Gia đình chính là tế bào của xã hội! Mỗi gia đình hòa thuận, hạnh phúc sẽ tạo nên một “cơ thể” xã hội mạnh mẽ, yên vui. Nhận thức được điều này, Đảng, nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng gia đình văn hóa mới, chống bạo lực gia đình có hiệu quả.
Tuy nhiên, do những biến thiên của xã hội bước vào thời kỳ văn hóa hội nhập, sự tác động xấu về bạo lực, đồi trụy đầy kích động từ văn hóa phẩm nhập lậu cũng như các trang mạng xã hộị; tầm hiểu biết hạn chế trong giáo dục của một bộ phận gia đình, đã dẫn tới những sa sút về đạo đức, tình cảm gia đình. Đó là nguyên nhân của tệ nạn xã hội, của những bất hòa giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái và đau lòng hơn nữa là bạo lực gia đình. Tất cả đều gióng lên hồi chuông: Hãy cứu lấy hạnh phúc gia đình. Hãy xây dựng lại những giá trị đạo đức tốt đẹp trong mỗi một mái nhà Việt Nam.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và hướng tới Ngày quốc tế hạnh phúc lần đầu tiên diễn ra ở nước ta vào ngày 20/3/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động cuộc thi viết về “Gia đình hạnh phúc”. Thiết nghĩ đây cũng là một trong những cách thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Hơn lúc nào hết, các đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng cần tìm ra những cách làm hay trong giáo dục gia đình. Một khi xã hội thời hiện đại đã có nhiều thay đổi thì cũng nên xem lại để điều chỉnh phương pháp giáo dục, tuyên truyền đạo đức, tình cảm trong giới trẻ cho phù hợp hơn…
Hồng Thúy