Vượt mốc 45.000 ca mắc Covid-19, Bình Dương kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực và vắc xin

GD&TĐ - Theo Bộ Y tế, Bộ tiếp tục hỗ trợ thuốc kháng đông và kháng viêm cho Bình Dương để điều trị bệnh nhân Covid-19; riêng thuốc điều trị Remdisivir, Bộ Y tế sẽ lo toàn bộ cho địa phương.

Ông Nguyễn Thành Long phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương. Nguồn: Báo Bình Dương.
Ông Nguyễn Thành Long phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương. Nguồn: Báo Bình Dương.

Bình Dương vượt mốc 45.000 ca mắc Covid-19, điều trị F0 theo mô hình tháp 3 tầng 

Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế cho biết tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 46.501 ca mắc Covid-19.

Trong đó có 4.584 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 17.036 ca bệnh phát hiện trong Khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, hơn 17.000 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 6.682 ca trong cộng đồng. Lũy kế, tại Bình Dương đã có 46.547 ca mắc Covid-19.

Về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân F0 được xây dựng theo mô hình điều trị 3 tầng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trong đó, tầng 1 điều trị  hơn 4.600 F0 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80% F0) được bố trí các khu cách ly tập trung có điêu kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ lực lượng bác sĩ, điều dưỡng và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp XQ di động; đồng thời được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.

Tầng 2 điều trị gần 6.700 F0 có triệu chứng nhẹ đang điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện. Tầng 3 điều trị 532 F0 có triệu chứng nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19 Bình Dương. Với 22 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tổng số giường là 15.627 giường, nhân lực phục vụ 2.851 người. 

Bình Dương kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực và vắc xin phòng Covid-19

Tỉnh Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ vắc xin với số lượng 544.060 liều (từ đợt 1 đến đợt 16). Trên cơ sở phân bổ của Bộ Y tế, Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin với năng lực hơn 100.000 liều/ngày. Tính đến ngày 11/8, Bình Dương đã cơ bản hoàn thành việc tiêm số lượng vắc xin nêu trên.

Tuy nhiên, do công tác nhập dữ liệu lên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia chưa theo kịp tốc độ tiêm chủng nên dữ liệu trên Hệ thống chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế, trong 1-2 ngày nữa Bình Dương sẽ hoàn thành cập nhật dữ liệu. 

Ngày 14/8, Bộ Y tế ban hành quyết định phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 21. Theo đó, tỉnh Bình Dương được phân bổ 250.00 liều vắc xin Astra Zeneca và 15.210 liều vắc xin Pfizer. Tỉnh Bình Dương sẽ huy động mọi nguồn lực để triển khai tiêm trong thời gian sớm nhất (dự kiến triển khai trong vòng 3 ngày).

Ông Nguyễn Hồng Chương, kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục xem xét phân bổ thêm vắc xin cho Bình Dương để đạt mục tiêu tiêm cho toàn dân để sớm đạt miễn địch cộng đồng. Hỗ trợ thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 kháng viêm và chống đông máu. Tiếp tục hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị, máy móc phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ thuốc, nhân lực và vắc xin để Bình Dương chống dịch

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm áp dụng triệt để Chỉ thị 16+ đối với những địa phương “vùng đỏ”.

Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp người dân vi phạm Chỉ thị, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an sinh tại chỗ ở khu vực này, để đảm bảo người dân không đi ra ngoài, an tâm ở yên tại chỗ chống dịch.

Tiếp tục đẩy nhanh công tác xét nghiệm trên diện rộng "bóc tách" F0 ra khỏi cộng đồng để đưa điều trị.

Đồng thời, phải có phương án cụ thể bảo vệ thật chặt các địa phương “vùng xanh”, không để dịch bênh xâm chiếm lại. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu dung, điều trị F0 ở các phân tầng trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh cần xem xét ngay việc sắp xếp điều tiết nhân lực y tế phù hợp với thực tế ở tầng 1, tăng cường cho tầng trên, tránh nơi dư nơi thiếu, cho phép sử dụng thuốc kháng đông và kháng viêm ở tầng 1, trang bị cơ số bình oxy vừa đủ để kịp thời sử dụng khi cần và biến cơ sở cách ly F1 thành cơ sở thu dung, điều trị.

Với tầng 2 bao gồm tất cả đơn vị y tế trên địa bàn phải được trang bị oxy bồn. Với tầng 3, ngoài việc tính toán xây dựng thêm bệnh viện dã chiến, cần tổ chức giao ban thường xuyên giữa tầng 3 với tầng 2 để chia sẻ thông tin về số giường trống, số máy thở… kịp thời điều phối bệnh nhân khi cấp cứu... Đồng thời, giao quyền bác sĩ chuyên môn tầng trên được chỉ đạo chuyên môn tầng dưới. 

Liên quan đến kiến nghị của tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ thuốc kháng đông, kháng viêm, một số trang thiết bị y tế cho địa phương, còn lại địa phương tính toán đầu tư mua thêm.

Về vắc xin khi có nguồn, Bộ Y tế  tiếp tục ưu tiên phân bổ tiếp cho các tỉnh phía Nam đang có dịch bùng phát, trong đó có Bình Dương…

Đồng thời, tiếp tục huy động tổng thể để điều tiết hỗ trợ nhân lực từ các tỉnh, thành cho Bình Dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ